Hiện nay tình trạng đào sâm đất ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đang là nỗi lo cho công tác giữ gìn bảo vệ rừng phòng hộ và nhất là khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau.
Rừng ngập mặn Cà Mau nóng với tình trạng đào bắt sâm đất
Ông Huỳnh Thanh Xinh, Phó Hạt trưởng thường trực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết: Sâm đất là một loại thân mềm, hình thù giống con giun nhưng lớn hơn con giun gấp nhiều lần (tên khoa học gọi là Sipunculus nudus), đây là loài sống trong lòng đất và dưới tán rừng ngập mặn, sâm đất sống cách mặt đất khoản 10 - 30 cm. Sâm đất đã xuất hiện từ rất lâu, trước đây người dân thường đi đào bắt sâm đất để ngâm rượu nhưng đến khoảng đầu năm 2011 cho đến nay thì hiện tượng người dân đi đào sâm bán rất phổ biến.
Sâm đất được người dân đào bán với giá khoảng trên 20 nghìn đồng/kg, một ngày một người đi đào sâm được khoảng 5 - 7kg, dụng cụ đào sâm là dùng cuốc và xẻng để đào xới. Theo ông Xinh thì sâm đất sống theo cụm, nơi nào đất ẩm ướt thì nơi đó tập trung nhiều sâm và thường hay đùn đất theo những gốc cây đước, cây mắm… cho nên việc đào xới đất lên có thể dẫn đến mặt đất bị tơi xốp và theo dòng thủy triều trôi ra biển, làm cho gốc cây lồi rễ lên và gây ngã cây. Đây cũng là yếu tố gián tiếp tác động đến tình trạng sạt lở ở huyện Ngọc Hiển nói riêng, Cà Mau nói chung.
Hiện tượng đào sâm này tập trung nhiều ở rừng phòng hộ, tuy nhiên gần đây thì tình trạng đào sâm đất lại xảy ra ở một số nơi trong khu vực vườn quốc gia. Tình trạng này nếu không ngăn chặn kịp thời thì Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau sẽ là điểm đến tiếp theo của những người đi đào sâm. Việc không ngăn chặn kịp thời tình trạng đào sâm trái phép như hiện nay sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường khi người dân len lỏi trong khu vực vườn quốc gia. Cà Mau cần có giải pháp ngăn chặn đào sâm đất hiện nay ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Quốc La