Mùa mưa đến, thường là lúc muỗi phát triển và sinh sôi nảy nở, cũng thường là lúc chúng ta dễ mắc sốt xuất huyết, nhất là trẻ em tại tỉnh Cà Mau.
Vậy nên, công tác phòng, chống sốt xuất huyết nhằm khống chế không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cho cộng đồng… được Sở y tế khẩn trương vào cuộc
Ngày 15/8, thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 81% ca mắc so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương có số ca mắc SXH gồm: Năm Căn, TP. Cà Mau và huyện Đầm Dơi. Riêng huyện Trần Văn Thời có số ca mắc SXH cao nhất, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Điều trị SXH tại bệnh viện Sản Nhi tỉnh Cà Mau.
Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Cà Mau, nguyên nhân do mưa nhiều cộng với ô nhiễm môi trường từ rác, nước thải sinh hoạt và hoạt động xả thải của các cơ sở công nghiệp khiến số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn bùng phát nhanh. Một phần, do một bộ phận người dân còn thiếu ý thức, còn chủ quan đối với dịch bệnh này.
Trước tình hình bệnh SXH còn diễn biến phức tạp, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác giám sát, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao, đúng kỹ thuật, đúng thời gian, không để dịch bùng phát và lan rộng.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Đẩy mạnh mô hình nuôi cá thí điểm để cấp phát cho hộ dân tại các địa phương, xử lý các điểm nóng, ổ dịch bệnh một cách triệt để đúng quy định, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại những vùng nguy cơ cao; Tiếp tục phun hóa chất diện rộng ở một số nơi nguy cơ bùng phát dịch.
Đối với cộng đồng dân cư, cần phải có ý thức phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ. Đặc biệt là gìn giữ vệ sinh môi trường nước xung quanh nhà, không để ao tù, nước đọng sản sinh ra lăng quăng, muỗi. Bởi “không có muỗi vằn sẽ không có bệnh sốt xuất huyết”. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, khi mà họ vẫn lơ là, thờ ơ với việc gìn giữ vệ sinh chung.