Cá chết hàng loạt ở hồ Tây: Việc quản lý nước thải, rác thải bị buông lỏng?

Đỗ Việt| 03/10/2016 13:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo một số chuyên gia hiện tượng cá chết nổi trắng hồ Tây là hệ quả của việc quản lý nước thải và rác thải lỏng lẻo và thiếu khoa học?

Ghi nhận của phóng viên sáng 3/10, tại khu vực xung quanh hồ Tây, số lượng cá chết vẫn tiếp tục tăng nổi trắng một góc hồ. Ngay từ sáng sớm, các cơ quan chức năng đã có mặt tại vị trí cá chết để chỉ đạo xử lý vớt toàn bộ xác cá đưa đi xử lý nhằm tránh tình trạng ô nhiễm.

Cá chết hàng loạt ở hồ Tây: Việc quản lý nước thải, rác thải bị buông lỏng?

Sáng ngày 3/10, số lượng cá chết ở hồ Tây vẫn tiếp tục tăng

Hiện tượng cá chết hàng loạt tại hồ Tây bắt đầu xảy ra từ tối ngày 1/10. Theo người dân sống quanh khu vực này, số lượng cá chết ước tính lên đến hàng chục tấn, gồm các loại như cá trắm, cá chép, cá mè...tập trung nhiều nhất là cá rô phi.

Chiều 2/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp thị sát tại hiện trường và thành lập Ban chỉ huy triển khai 7 biện pháp cấp bách để xử lý khắc phục hiện tượng bất thường này.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tiến hành lấy mẫu nước trên diện rộng từ trong bờ ra giữa hồ, từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu, lấy mẫu cá sống, cá chết đưa đi giám định nhằm xác định nguyên nhân cá chết có bị nhiễm các chất độc hại hay không. Ngoài ra, UBND Thành phố Hà Nội cảnh báo người dân không vớt, sử dụng cá chết tại hồ Tây trong các ngày vừa qua làm thực phẩm.

Trao đổi với PV Báo Công lý trước hiện tượng trên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CERC) Nguyễn Ngọc Lý cho rằng việc buông lỏng quản lý nước thải và rác thải tại khu vực hồ Tây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, để kết luận chính xác nguyên nhân thì phải có những nghiên cứu chuyên sâu hơn và kết quả giám định từ các cơ quan chức năng.

Là một chuyên gia đam mê nghiên cứu về hệ thống các hồ ở Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng lý giải hiện tượng cá to, cá nhỏ chết nổi trắng hồ Tây do hàm lượng ô xi hòa tan ở trong nước thấp tới ngưỡng bằng 0. Do thiếu ô xi nên dẫn đến việc cá chết hàng loạt.

Nói về nguyên nhân làm ô xi hòa tan thấp, bà Lý cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng một trong nguyên nhân lớn nhất là quá nhiều chất thải sinh hoạt chứa hàm lượng Ni tơ và Phốt pho theo nước thải xuống hồ đã tạo ra sự sinh trưởng cực kỳ mạnh cho loại tảo phát triển. Loại tảo này chỉ sống được trong một thời gian rất ngắn, khi tảo chết bắt đầu bị phân hủy kéo tất cả hàm lượng ô xi trong nước giảm.

Bà Lý cũng bác bỏ thông tin cho rằng, cá chết hàng loạt ở ở hồ Tây là do nhiễm độc tố bởi địa bàn hồ Tây là khu vực đô thị, nguồn nước thải công nghiệp tạo ra nguồn ô nhiễm là rất hạn hẹp.

“Vừa qua Hà Nội có cơn mưa lớn, những trận mưa kéo theo tất cả sự ô nhiễm ở trên bờ xuống từ rác thải, nước rửa xe xuống hồ cũng có khả năng gây nên hiện tượng ô nhiễm dẫn đến cá chết”, bà Lý nói.  

Cá chết hàng loạt ở hồ Tây: Việc quản lý nước thải, rác thải bị buông lỏng? -

Nhiều loại cá khá to nổi trắng một góc hồ Tây

Dưới góc độ nghiên cứu, bà Lý cho rằng hồ Tây là hồ cảnh quan có mối liên hệ thủy văn trực tiếp với sông Hồng nhưng thực tế việc quản lý nước thải và rác thải theo luật một cách khoa học chưa được đến nơi đến chốn. Do đó, để khôi phục lại hệ sinh thái của hồ Tây, tạo ra nguồn nước tự nhiên không bị ô nhiễm, đòi hỏi sự đồng thuận trong việc quản lý hồ Tây, cấp chính quyền cùng vào cuộc xem xét một cách nghiêm túc.

Bà Lý nhấn mạnh, tất cả những “tội phạm” về môi trường, việc xử lý chưa có cơ chế đến nơi đến chốn. Nếu không có một luật cụ thể để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước thì các “tội phạm” về ô nhiễm nước lại rất nguy hiểm bởi nó là “tội phạm” nhưng không phải “tội phạm hình sự”.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tề (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) nhận định việc thiếu oxi có thể  là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Tề, thông thường, nếu đủ oxi, Amoniac sẽ được oxi hóa tiếp sang Nitrit (NO2), nếu đủ oxi nữa thì từ Nitrit oxi hóa tiếp thành Nitrat (NO3) nước sẽ không độc. Amoniac tức là nước thải sinh hoạt đổ ra, không phải nước thải hóa chất công nghiệp.

Theo ông, cách hiệu quả nhanh chóng để xử lý hiện tượng này là bịt tất cả các cống nước thải ra hồ và bơm ô xi xuống nước.

Hồ Tây trước đây còn có các tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội. Hồ có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ nằm ở vị trí phía tây bắc trung tâm Hà Nội.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cá chết hàng loạt ở hồ Tây: Việc quản lý nước thải, rác thải bị buông lỏng?