Khi con người chỉ tính đến lợi ích của mình mà sẵn sàng “giết chết” thiên nhiên, thì có lẽ câu chuyện biển chết, cá chết sẽ còn tiếp diễn.
Hàng tấn cá chết không rõ nguyên nhân trôi dạt vào vùng biển Quảng Trị. Ảnh: Trần Tĩnh
Biển đau, cá chết, nước mắt còn đâu mà rớt!
“Có ai dám bước chân ra biển nữa đâu các chú ơi. Nghe nói cá chết thối nằm cả tuần nay chim hải âu ăn vào cũng lăn đùng ra chết nên mọi người sợ có dám lại gần đâu”, một người dân xã Kỳ Nam nói như vậy với phóng viên báo Tiền Phong khi đi tìm hiểu về cá chết tại thị xã Kỳ Anh trưa 22/4.
Cá chết hàng loạt vì nghi ngờ bị… “ngộ độc”, thứ chất độc mà lại bị nghi ngờ là do con người chứ không phải thiên nhiên, và nó cũng chẳng phải một sự cố nào tương tự như tai nạn đến nỗi bị tràn dầu như truyền thông nước ngoài thi thoảng đưa.
Mà cá cũng “khéo chọn” dịp để thi nhau… chết. Chả mấy nữa là đến dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Dân tình ùn ùn đổ xô đi tắm biển. Dân Kỳ Anh hồ hởi vì sắp vào vụ kinh doanh. Ấy vậy mà… Các công ty lữ hành cũng khốn đốn vì những đoàn khách VIP đã ký hợp đồng và đặt cọc từ trước ngày… cá chết. Giờ chỉ còn nước xin lỗi, đền bù, dù đó là do lỗi của cá!?
Cá chết vì đâu? Vì đâu cá chết? Nguyên nhân chưa được xác định. Câu trả lời chính xác còn phải chờ cơ quan chức năng kết luận.
Trăm con mắt hướng về Formosa, khu công nghiệp nổi tiếng ở Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Mà chẳng phải bây giờ và cũng chẳng phải chỉ ở Việt Nam, Formosa mới có “tiếng” về những câu chuyện liên quan đến chất thải.
Tháng 11/1998, Formosa bị phát hiện đưa khoảng 5.000 tấn chất thải, trong đó có thủy ngân, tới thị trấn ven biển Sihanoukville, nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Trong khi đó, hơn 140 tấn container chứa chất thải bị Formosa bỏ ở một khu vực không có rào chắn và biển khuyến cáo. Tháng 9/2009, chính quyền hai bang Texas và Louisiana đã buộc Formosa phải chi hơn 10 triệu USD để xử lý vi phạm chất thải độc ra không khí và nguồn nước…
Khi dư luận đặt câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã trả lời báo chí: Đường ống ngầm của công ty Formosa Vũng Áng xả thải đã được cho phép (Formosa có văn bản đề nghị được xây dựng đường ống xả nước làm mát ra vịnh Sơn Dương vào ngày 16/7/2014); nước thải đã được xử lý theo chuẩn mới được xả ra biển (?); và quy trình xử lý đã có giám sát!?
Cá chết vì… ích kỷ!?
Cá rủ nhau chết. Cá đua nhau tự tử. Vậy ra cá… ích kỷ quá!?
Cá "rủ nhau" đi chết và hiện vẫn chưa xác định được độc tố gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung
Nhớ hồi tháng 9 năm ngoái, khi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa - người đứng đầu Truyền thừa Phật giáo Kim cương thừa Drukpa thế giới được tôn sùng là hiện thân của Đức Phật Quan Âm - trở lại thăm Việt Nam để cầu nguyện quốc thái dân an trên khắp ba miền đất nước, Ngài có buổi truyền giảng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hơn 30 năm truyền giảng Phật pháp toàn thế giới, Đức Pháp Vương đã khởi xướng nhiều dự án nhân đạo, đúng với tôn chỉ phụng sự nhân loại và vũ trụ của Truyền thừa Drukpa.
Khi nói về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, Ngài cho rằng “những căn nguyên ô nhiễm thực chất không phải nằm ở bên ngoài, mà thực sự nguyên nhân gốc rễ chính là sự ô nhiễm bên trong, cụ thể là sự ô nhiễm trong tâm hồn mỗi chúng ta”. Theo lý giải của Đức Pháp Vương, có thể do sự hiểu biết không đúng đắn, hoặc do sự giáo dục chưa được chuẩn xác, “cho nên tâm chúng ta bị ô nhiễm, dẫn đến sự ô nhiễm của môi trường”.
Những lời nói của Ngài quả đáng suy ngẫm. Có bao giờ chúng ta tự nguyện tham gia những chuyến bộ hành tâm linh kéo dài từ một đến ba tháng, đi hàng trăm cây số để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, giữ sạch nguồn nước như Đức Pháp Vương đã làm?
“Chúng ta vẫn nói rằng chúng ta có tình thương yêu đối với thiên nhiên, nhưng chúng ta đã đối xử với thiên nhiên không giống như những gì chúng ta nói. Đôi khi chúng ta nói chúng ta thích cá, nhưng chúng ta vẫn ăn thịt cá. Chúng ta nói rằng chúng ta yêu chó, thích chim, nhưng chúng ta vẫn sắm những cái chuồng, cái lồng để nhốt chó, nhốt chim”, Đức Pháp Vương nói.
Ngài hiểu rằng, đó là cách loài người thể hiện tình yêu thương của mình đối với các động vật. Nhưng chính đó lại là “hành động làm khổ các loài động vật bởi không cho chúng được tự do, đó là cách hành xử không tốt”, và “cái gọi là yêu thương đó mang sự ích kỷ bên trong”!
Bao giờ biển được an toàn? Ảnh minh họa: VietNamNet
Bao giờ biển an toàn?
“Điều quan trọng cơ quan chức năng phải trả lời câu hỏi: Biển đã an toàn chưa? Chưa có câu trả lời ngư dẫn vẫn sẽ ngồi chờ và họ làm gì để sống đây?”. Đó là câu hỏi của ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững đặt ra trong buổi trao đổi báo chí ngày 25/4 về hiện tượng cá chết hàng loạt ở khu vực miền Trung.
Theo ông Cương, nếu không xác định được nguồn gây độc thì thông tin liên quan là có dùng cá làm thực phẩm được không, ngư dân có nên tiếp tục đánh bắt và có nên nuôi trồng không, sẽ không trả lời được.
Cũng trong buổi họp báo, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng, việc cá chết hàng loạt không chỉ gây hoang mang, ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản của người dân mà còn là vấn đề môi trường và nguồn lợi quốc gia.
Bao giờ biển được an toàn? Câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ. Nhưng đây mới chỉ là một số vùng biển ở miền Trung có liên quan đến vụ cá chết hàng loạt mà thôi. Liệu rằng còn tiềm ẩn bao nhiêu vùng biển có nguy cơ tương tự như vậy mà chưa bị phát lộ?
Thiết nghĩ, vấn đề mấu chốt không chỉ là yêu cầu trước mắt cần “làm sạch” vấn đề cá chết vì đâu, mà đó là cả một bài toán chiến lược đòi hỏi cần bàn bạc, tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng. Bởi, thiên nhiên, như lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều “là cái gương phản chiếu trọn vẹn nhất thiên nhiên trong tâm hồn con người”. Khi còn người chỉ tính đến lợi ích của mình mà sẵn sàng “giết chết” thiên nhiên, thì có lẽ câu chuyện biển chết, cá chết sẽ còn tiếp diễn.
- Tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào ngày 6/4. - Bốn ngày sau, hiện tượng tiếp diễn tại vùng biển xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình). Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại các vùng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Quang Phú và Bảo Ninh (TP. Đồng Hới)... trong những ngày sau đó. - Ngày 19/4, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra trên diện rộng, ghi nhận ở vùng biển Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. - Đến ngày 22/4, theo ghi nhận từ các địa phương, tình trạng cá chết không còn xuất hiện. - Các báo dẫn nguồn tin VTC cho biết, hôm 24/4, một thợ lặn trước đó có làm việc phục vụ cho việc xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương của dự án Formosa đã tử vong. Trong khi đó, cũng theo các báo này, hai thợ lặn khác chia sẻ với phóng viên VTC: từ khi cá chết “cảm thấy trong người mệt, ê ẩm, đau xương, đau đầu, tức ngực, khó thở...”; và công ty chuyển đi nơi khác (?) sau khi “bị phổi, khó thở”. |
Trên VietNamNet chiều tối 25/4 đăng tải bài viết về việc Giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm giải thích câu nói “Phải chọn hoặc nhà máy thép hoặc cá tôm” đang khiến dư luận đang dậy sóng. Khi PV chất vấn, Formosa sẽ nói gì trong trường hợp cơ quan chức năng Việt Nam tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết có yếu tố chất độc liên quan đến các loại hoá chất mà công ty sử dụng? Ông Phàm cho biết “không thể trả lời câu này”, song khẳng định: “Chúng tôi có niềm tin trong công tác xử lý nước thải ra và bảo vệ môi trường, luôn lấy tiêu chuẩn cao nhất để thực hiện”. Trước nghi vấn có đường ống khác ngoài đường ống trong thiết kế chạy ngầm, đại diện Formosa khẳng định không có chuyện đó (?). Vị này tuyên bố: “Chúng tôi bỏ ra hơn 10 tỷ đô la rồi, chả nhẽ vì cái đường ống xả lén mà đánh đổi tất cả”. Chiều 26/4, trong buổi họp báo diễn ra ở Hà Tĩnh, lãnh đạo Formosa đã cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam. |