Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 25 bị can trong vụ án Buôn lậu, Trốn thuế xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Công ty Vàng bạc Phú Quý và các đơn vị liên quan.
Hàng loạt quản lý tiệm vàng vướng lao lý
Trong vụ án này, các bị can Nguyễn Thị Hóa (SN 1972, ở Quảng Trị) và em chồng là Nguyễn Thị Gái (SN 1970, ở Quảng Trị) cùng 21 người khác bị đề nghị truy tố tội Buôn lậu.
Có 2 người bị đề nghị truy tố tội Trốn thuế gồm Lê Xuân Tùng (SN 1980, ở Hà Nội- Giám đốc Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý) và kế toán công ty này là Lê Thúy Quỳnh (SN 1979, ở Hà Nội).
Theo kết luận điều tra, đầu năm 2022, do có nhu cầu mua vàng nguyên liệu để chế tác, kinh doanh và biết Nguyễn Thị Hóa có thể cung cấp vàng nguyên liệu dạng thỏi từ Lào nên 7 bị can ở Hà Nội đã liên hệ, đặt mua.
Nhóm 7 bị can nói trên gồm Trần Anh Sơn (quản lý Tiệm vàng Minh Hưng); Nguyễn Thị Vân (quản lý Tiệm vàng Kim Linh); Đặng Văn Định, chủ Tiệm vàng Minh Phúc; Trần Công Quán (chủ Tiệm vàng Nhật Vượng); Đàm Anh Tuấn (chủ Tiệm vàng Tuấn Quang); Nguyễn Khắc Bồng cùng Lê Minh Tuân (chủ Tiệm vàng Tuân Đức).
Theo đơn đặt hàng của 6 tiệm vàng, bị can Hóa cùng Nguyễn Thị Gái đã thiết lập, điều hành đường dây buôn lậu vàng với nhiều đối tượng tham gia theo từng công đoạn, được tổ chức chặt chẽ từ khâu mua, vận chuyển đến tiêu thụ.
Cụ thể, sau khi các tiệm vàng đặt hàng, Hóa liên hệ với đối tượng tên Thoong Nhã (ở Viêng Chăn, Lào) để đặt mua vàng đồng thời thống nhất giao nhận hàng bằng một trong hai phương thức.
Phương thức thứ nhất (áp dụng từ đầu năm 2022 đến tháng 5/2023), Thoong Nhã thuê các đối tượng người Lào lái xe ô tô biển số Lào, vận chuyển vàng vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo.
Vàng được giao cho Hóa tại khu vực nhà Hóa ở thị trấn Lao Bảo, mỗi lần từ 5-10 kg vàng. Nhóm giao hàng sẽ nhận lại tiền thanh toán, mang về Lào cho Thoong Nhã. Đến nay, CQĐT không xác định được cụ thể số lượng vàng lậu được giao theo cách này.
Phương thức thứ hai (từ sau tháng 5/2023), Thoong Nhã không tổ chức vận chuyển vàng nữa nên Hóa phải tự tổ chức nhận vàng từ Thoong Nhã tại Viêng Chăn rồi đưa về Việt Nam.
Để thực hiện, Hóa gửi USD sang Lào trước, cho một đối tượng tên È, gần biên giới. Sau đó, nhiều bị can là người trong gia đình Hóa sẽ đi xe máy sang Lào, nhận USD từ È rồi bắt xe khách đến nhà Thoong Nhã tại Viêng Chăn trả USD, thanh toán tiền mua vàng, mỗi người sẽ được trả công 5 triệu đồng/chuyến.
Để đưa vàng về Việt Nam, Hóa lợi dụng chính sách là cư dân biên giới chỉ cần sử dụng CCCD hoặc CMND có thể đi qua cửa khẩu.
Chuyển vàng qua biên giới bằng xe đạp điện
Những người vận chuyển vàng sẽ đi xe máy hoặc xe đạp điện đi qua cửa khẩu Lao Bảo sang Lào, nhận vàng thỏi được bọc vào túi nilon màu đen. Sau đó, họ buộc vào vào bụng hoặc cất giấu ở trong thắt lưng quần phía trước bụng.
Đồng thời, họ mua kèm hàng hóa các loại (sữa, nước lọc, mì tôm, lạp xưởng...) để mang về, tránh bị Bộ đội Biên phòng kiểm tra khi đi qua cửa khẩu. Mỗi người sẽ mang một thỏi nặng 1kg trong mỗi lần chuyển lậu và được trả công 200 nghìn đồng.
CQĐT xác định các đối tượng đã vận chuyển từ Lào về Việt Nam 310 kg vàng, tổng trị giá hơn 454 tỉ đồng và sau khi tiêu thụ thành công, bị can Hóa hưởng lợi bất chính 310 triệu đồng.
Ngày 14/6/2023, cảnh sát khám xét khẩn cấp đối với 21 đối tượng tại 29 địa điểm tại Hà Nội và Quảng Trị, kết quả phát hiện và tạm giữ hơn 8,4 tỉ đồng; 4,2 triệu USD, 36 thỏi vàng…
Đồng thời, cảnh sát bắt quả tang 3 bị can trong đường dây đang giao tổng cộng 21kg vàng lậu cho các tiệm vàng ở Hà Nội.
Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT xác định các bị can Lê Xuân Tùng và Lê Thúy Quỳnh thuộc Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý (Hà Nội) có hành vi lập nhiều hệ thống sổ sách kế toán, trốn đóng hơn 6 tỉ đồng tiền thuế GTGT cùng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã kê biên 36 bất động sản của các bị can, gồm 21 nhà đất của Nguyễn Thị Hóa (có 15 thửa ở Quảng Trị và 6 thửa ở Đà Nẵng). Em gái Hóa, bị can Nguyễn Thị Gái cũng bị kê biên 5 bất động sản tại Quảng Trị.