Bước ra từ bóng tối

Đắc Chuyên| 03/12/2015 07:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Là một người khiếm thị, nhưng chị Đỗ Thúy Hà không cam chịu số phận, không chấp nhận cuộc sống tối tăm, quanh quẩn trong bốn bức tường, chị đã can đảm đứng lên bước qua bóng tối đi tìm tương lai.

Bước qua bóng tối tìm tương lai

Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều người khuyết tật, mỗi người là một câu chuyện, số phận, hoàn cảnh khác nhau và đọng lại sau mỗi câu chuyện là những cung bậc cảm xúc, những bài học khác nhau về sự cố gắng, nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống. Câu chuyện về nghị lực sống của chị Đỗ Thúy Hà (SN 1981) - Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội) không chỉ khiến người nghe khâm phục mà còn tiếp thêm sức mạnh, niềm tin yêu cuộc sống.

Là một người khiếm thị nhưng chị Đỗ Thúy Hà tốt nghiệp Khoa tiếng Anh - Viện Đại học mở Hà Nội với tấm bằng loại giỏi, thông thạo hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật. Năm 2007, chị là một trong 7 người khuyết tật đến từ 7 quốc gia khác nhau giành được học bổng toàn phần của một tổ chức Châu Á – Thái Bình Dương, sang Nhật học về kỹ năng làm lãnh đạo. Hiện, chị là Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa và có một gia đình hạnh phúc.

Bước ra từ bóng tối

Chị Đỗ Thúy Hà làm việc bằng chiếc máy tính có cài đặt phần mềm hỗ trợ cho người khiếm thị

Để có được thành quả như ngày hôm nay, chị Đỗ Thúy Hà đã vượt qua rất nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống bởi đôi mắt chị không nhìn thấy ánh sáng mặt trời ngay từ khi còn rất nhỏ. Chị Hà kể cho tôi nghe về tuổi thơ tươi sáng bị đứt quãng được ghi lại khi chị mới 5 tuổi. Có lẽ, đó là quãng thời gian tròn trịa nhất cuộc đời chị vì đôi mắt chưa bị hỏng. Những ngày sau đó, mắt chị mờ đi và vĩnh viễn chìm trong bóng đêm với kết luận của bác sĩ: “Bị thoát hóa võng mạc bẩm sinh”. Khi đó chị Hà tròn 6 tuổi.

Vì còn nhỏ nên chị Hà chưa ý thức được những mất mát khi đi đôi mắt không còn thấy lối đi, nhưng bố mẹ chị thì như cắt từng khúc ruột. Họ đau đớn nhìn cô con gái đầu lòng dò dẫm bước đi trong bóng tối. Dù đã mang con đi chạy chữa khắp nơi mua đủ loại thuốc từ tây đến đông y, nhưng kết quả vẫn không đổi, hy vọng về việc chữa khỏi mắt cho cô con gái tắt ngấm theo thời gian. Rồi bi kịch cũng xảy đến, khi thấy bạn bè cùng trang lứa được đi học, được cắp sách tới trường chị Hà tủi thân đến tuyệt vọng, chị cảm nhận rõ mình “khác” bạn bè, sự khác biệt đó khiến chị tự ti, co cụm với thế giới xung quanh.

Đến khi lên 9 tuổi, chị Hà được bố mẹ cho đi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, chị nhận ra có nhiều người đồng cảnh ngộ với mình. Họ - những người khiếm khuyết một phần cơ thể vẫn đang từng ngày bền bỉ vươn lên giống như những chồi non trong bóng tối luôn cố gắng hướng về nơi có ánh sáng mặt trời. Cũng từ đó, chị Hà lấy lại niềm tin yêu vào cuộc sống, miệt mài học tập như thể đó là niềm vui và việc duy nhất chị có thể làm để thay đổi cuộc sống của mình.

Thế rồi, chị thi đỗ đại học, đi du học và trở về Việt Nam làm cầu nối giữa những người khuyết tật với các tổ chức xã hội ở trong và ngoài nước với mong muốn người khuyết tật sẽ được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa nhằm rút ngắn khoảng cách giữa người khuyết tật với xã hội. Từ năm 2008 đến nay, chị đã kết nối với những người bạn đến từ nước Nhật xa xôi giúp cho 20 em nhỏ nghèo được đến trường.

Chị Hà còn kết nối với Tổ chức phi chính phủ ACCV của Australia, giúp hội viên Hội Người mù quận Đống Đa được học tiếng Anh miễn phí. Lớp được tổ chức 2 buổi/tuần với giáo viên người Việt Nam và giáo viên người nước ngoài đứng lớp, hiện lớp có 10 hội viên theo học.

Ngoài ra, Hội Người mù quận Đống Đa còn tổ chức các lớp dạy nghề, hành nghề tẩm quất nhằm tăng thu nhập giúp cải thiện, nâng cao đời sống của các hội viên. Những ngày miệt mài học tập và làm việc trong bóng tối đã giúp chị có được tri thức, đó chính là nguồn ánh sáng giúp chị tìm ra hướng đi cho cuộc đời mình.

Phía trước là bầu trời

Nói về những cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống của một người khuyết tật, chị Hà bảo rằng, trong cuộc sống ai cũng gặp phải những khó khăn, trắc trở dù là người bình thường hay khuyết tật. Tuy nhiên, để vượt qua những khó khăn, trắc trở người bình thường cố gắng, nỗ lực một thì người khuyết tật phải cố gắng, nỗ lực gấp ngàn lần. Bởi những khó khăn, trắc trở đó không chỉ đến từ những khiếm khuyết một phần cơ thể mà còn đến từ định kiến xã hội.

Bản thân chị Hà, khi đi học phải dùng chung sách giáo khoa với 2-3 bạn cùng lớp, việc tiếp thu kiến thức cũng rất hạn chế do không nhìn được mà phải hình dung và tưởng tượng. Vì thế, việc học với người khuyết tật đã rất khó nói gì đến học giỏi. Nhưng, rõ ràng sự nỗ lực, cố gắng là không có giới hạn. Bằng chứng là chị Hà đã đỗ đại học, đã nhận được học bổng toàn phần và đi du học ở nước Nhật.

Bước ra từ bóng tối

Chị Đỗ Thùy Hà đang chuẩn bị bài phát biểu bằng chữ nổi trong ngày Quốc tế Người khuyết tật

Chị Hà còn nhớ như in thời gian đầu sang Nhật du học, một thân một mình, một chữ bẻ đôi tiếng Nhật không biết, đường xá không hay trong khi đó mọi thứ đều xa lạ, sự cô đơn, lạc lõng, cảm giác tủi thân nơi xứ người khiến chị bao lần muốn trở về bên vòng tay cha mẹ. Nhưng, chị nghĩ nếu quay về mình sẽ mãi là “ếch ngồi đáy giếng”, sẽ không thể làm được những điều bản thân mong muốn chứ nói gì đến giúp đỡ những người khuyết tật khác.

Chị nhanh chóng gạt đi những suy nghĩ tiêu cực, cố gắng học tiếng Nhật bằng tiếng Anh, mở rộng các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô rồi niềm vui lại đến từ việc học. 2 năm du học trôi nhanh như cái chớp mắt của đời người, chị trở về trong tiếng cười và nước mắt của sự sung sướng, ngưỡng mộ. Vì khâm phục nghị lực của chị mà một chàng trai đất Hà thành đã đem lòng yêu chị sau lần gặp đầu tiên.

Nhưng, đường đến tình yêu với chị cũng trắc trở không kém quãng đường đời chị đã trải qua. Tình yêu của anh dành cho chị bị bạn bè, gia đình phản đối. Nhưng, với tất cả quyết tâm, sau 2 năm tìm hiểu, đồng cảm và chia sẻ, anh chị đã quyết định gắn bó cuộc đời mình với nhau bằng một đám cưới.

Sau 5 năm kết hôn và có một cậu con trai 4 tuổi, chị Hà trong mắt chồng và gia đình nhà chồng là một người vợ hiền, con dâu thảo. Dẫu có những lúc chồng đi vắng, chị Hà tự tay làm mọi việc trong gia đình như nấu cơm, giặt quần áo, chăm sóc con thì việc gặp những tai nạn nho nhỏ là không tránh khỏi.

Nhưng, dù có bị bỏng do rót nước sôi vào tay hay vấp ngã thì chị vẫn kiên trì, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn như những gì chị đã từng làm trong quá khứ. Thời gian đã qua là bóng tối nhưng bằng nghị lực của một người khuyết tật, của một người vợ, người mẹ tin rằng với chị Hà phía trước là bầu trời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước ra từ bóng tối