Bước đi làm nên lịch sử của bán đảo Triều Tiên

Hà Kim (Theo Yonhap)| 02/05/2018 17:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng, nhưng Bình Nhưỡng và Seoul vẫn còn rất nhiều điều phải làm trước khi những tuyên bố chung của hai bên trở thành hiện thực.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sáng ngày 27/4 đã chính thức bước qua đường biên giới liên Triều ở làng đình chiến Panmunjom để gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng với bán đảo Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Triều Tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ sau năm 1953. Ông Kim Jong-un được tháp tùng bởi 9 quan chức cấp cao Triều Tiên, trong đó có em gái Kim Yo-jong.

Sau màn chào hỏi, bắt tay tại đường ranh giới phân chia hai miền, ông Kim Jong-un đã bất ngờ mời ông Moon Jae-in bước qua gờ bê tông để đặt chân sang lãnh thổ Triều Tiên, sau đó hai lãnh đạo cùng tiến tới Nhà Hòa bình bên phía Hàn Quốc.

Động thái bất ngờ này của ông Kim Jong-un được cho là nhằm khẳng định vai trò của ông trong việc đưa ra sáng kiến thực sự nhằm mở ra kỷ nguyên mới trên bán đảo bằng sự cởi mở và hòa hợp. Ông Kim Jong-un đã viết trong sổ lưu niệm tại Nhà Hòa bình rằng: "Một trang sử mới bắt đầu ngay bây giờ, tại điểm khởi đầu của lịch sử và kỷ nguyên hòa bình".

Ông Kim và ông Moon sau đó có cuộc hội đàm kín tại Nhà Hòa bình, với sự tháp tùng của hai quan chức cấp cao mỗi bên. Bên phía Hàn Quốc có Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Suh Hoon và Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Im Jong-Seok, còn bên phía Triều Tiên có Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-chol và cô Kim Yo-yong, em gái lãnh đạo Kim Jong-un.

Phát biểu tại phòng họp, ông Kim cho biết muốn có các phiên thảo luận "thẳng thắn" về những vấn đề hiện nay và mong muốn hội nghị sẽ "cho kết quả tốt đẹp", không lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Đáp lại, Tổng thống Moon cho hay, ông mong cả thế giới sẽ chú ý tới mùa xuân đang bao trùm bán đảo Triều Tiên. Đồng thời khẳng định, việc ông Kim bước qua đường ranh giới là biểu tượng của hòa bình, không phải chia cắt. Ông Moon cũng gửi lời cảm ơn ông Kim vì hành động dũng cảm đó.

Trong cuộc hội đàm, ông Kim nói với ông Moon rằng sẽ không khiến Tổng thống Hàn Quốc phải dậy sớm vì các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên nữa. Sau khoảng 100 phút thảo luận, hai lãnh đạo rời Nhà Hòa bình để nghỉ trưa. Ông Kim trở về lãnh thổ Triều Tiên bên trong chiếc xe bọc thép được vây quanh bởi đội vệ sĩ hùng hậu chạy theo tháp tùng.

Đến buổi chiều, hai lãnh đạo cùng trồng cây thông lưu niệm tại Khu Phi quân sự, bên cạnh là tảng đá lớn khắc dòng chữ: "Chúng tôi trồng hòa bình và thịnh vượng", kèm chữ ký của hai người. Ông Kim và ông Moon còn có cuộc trao đổi riêng bên cạnh tấm biển Khu Phi quân sự trong khoảng 90 phút, trước khi hai lãnh đạo ra tuyên bố chung Hàn Quốc - Triều Tiên.

Bước đi làm nên lịch sử của bán đảo Triều Tiên

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sáng ngày 27/4 đã chính thức bước qua đường biên giới liên Triều ở làng đình chiến Panmunjom để gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Trong tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước cam kết sẽ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và khởi đầu một "thời kỳ hòa bình mới". Ông Kim và ông Moon cho biết họ đã có các cuộc trao đổi "chân thành, thẳng thắn" và sẽ làm mọi việc trong quyền hạn để phi hạt nhân hóa khu vực.

Hai lãnh đạo cho biết, họ hy vọng sẽ tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm nay. Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, do cuộc chiến 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng hiệp ước đình chiến mà chưa từng có hiệp định hòa bình nào được ký kết.

Hai nước cũng sẽ biến khu phi quân sự chia cách hai miền thành một "vùng hòa bình" và chấm dứt các hành động khiêu khích, khởi động lại chương trình đoàn tụ thân nhân những người bị ly tán trong chiến tranh, bắt đầu từ ngày 15/8.

Như vậy, cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4 mang lại bầu không khí lạc quan, tràn đầy hy vọng cho bán đảo Triều Tiên. Điều này trái ngược với sự thù địch và căng thẳng phủ bóng mây chiến tranh ở khu vực suốt nhiều năm qua.

Giới quan sát cho rằng, việc ông Kim thông qua tuyên bố chung với Tổng thống Hàn Quốc đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chiến lược dài hạn của đất nước Triều Tiên, mở đầu cho thời kỳ quốc gia này tìm kiếm những cơ hội đàm phán, thảo luận để đảm bảo hòa bình nhằm tập trung xây dựng đất nước.

Trước đó, trong bài phát biểu tại hội nghị đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, ông Kim Jong-un tuyên bố nước này sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân và ngừng phóng thử tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, bài phát biểu của ông còn một khía cạnh nữa ít được chú ý hơn, đó là thông báo về một "đường lối chiến lược mới".

Đây được coi là thông điệp chính thức của Triều Tiên về việc chấm dứt chiến lược "đường lối Byungjin" đã được nước này thực hiện suốt 5 năm qua. “Byungjin” hay "kinh tế và quốc phòng cùng tiến", là chiến lược được ông Kim đưa ra vào năm 2013, trong đó nhấn mạnh Triều Tiên phải phát triển kinh tế song song với xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa hùng mạnh.

Trong thời kỳ thực hiện “Byungjin”, ông Kim Jong-un tìm cách siết chặt quyền lực với quân đội và thúc đẩy chương trình hạt nhân, tên lửa. Ông Kim cũng tuyên bố đường lối “Byungjin” đã được thực hiện thành công, khi Triều Tiên cho chế tạo và phóng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm trung đến tầm xa, đạt bước đột phá trong công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, đồng thời cho thực hiện liên tiếp các vụ thử hạt nhân với uy lực chưa từng có.

Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây cho rằng đường lối này của Triều Tiên lại khiến họ hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có của Mỹ và Liên Hợp Quốc. Trong bối cảnh đó, có vẻ như chiến lược mới hướng đến đàm phán để tập trung phát triển kinh tế, công nghệ là hướng đi đúng đắn duy nhất của Triều Tiên.

Các chuyên gia cho rằng, việc chấm dứt đường lối “Byungjin” đã mở ra một thời kỳ mới đối với Triều Tiên. Vũ khí hạt nhân vẫn rất quan trọng với Kim Jong-un, nhưng quốc gia này nhiều khả năng sẽ chấp nhận những nhượng bộ lớn để đổi lấy phát triển kinh tế.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đi làm nên lịch sử của bán đảo Triều Tiên