Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa buộc di dời hơn 26.000 con lợn ra khỏi trang trại của Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri-Vina ở xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh để tiến hành khắc phục ô nhiễm môi trường.
Theo đó, Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri-Vina báo cáo với chinh quyền địa phương đã chuyển toàn bộ số lợn có trong chuồng ra khỏi trang trại chăn nuôi ở xã Tân Phúc để tập trung khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường.
Trong ngày 2/8, đoàn của công tác của UBND huyện Lang Chánh đã vào trang trại lợn để kiểm tra. Tại đây, toàn bộ các ô chuồng nuôi đã sạch bóng, không còn một con lợn nào. Đơn vị chăn nuôi đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để xử lý môi trường phát tán ra xung quanh.
Trước đó, chiều 2/7, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri-Vina ở xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh.
Tại buổi kiểm tra này, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đình chỉ hoạt động trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao này từ ngày 30/7; khắc phục ô nhiễm môi trường, báo cáo UBND tỉnh cho phép trang trại được hoạt động trở lại khi đủ điều kiện.
Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra ghi nhận, trang trại đang nuôi trên 26.000 con lợn thịt trọng lượng từ 40kg đến 100kg. Một số dãy chuồng nuôi để trống do đã xuất bán lợn.
Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Agri–Vina được thành lập cuối năm 2023. Từ khi trang trại đi vào hoạt động, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường tại trang trại chăn nuôi lợn này.
Đoàn kiểm tra xác định, việc người dân phản ánh về hoạt động nuôi lợn của Công ty Agri-Vina làm phát sinh mùi hôi, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh trong thời gian gần đây là đúng.
Nguyên nhân phát sinh mùi hôi, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh là do việc quản lý, vận hành máy phát điện sử dụng khí gas chưa đúng quy trình, dẫn đến khí biogas bị rò rỉ, thoát ra môi trường; lớp lưới chắn mùi hôi phía sau các dãy chuồng nuôi bị hở; khí thải, mùi hôi tại một số vị trí chuồng trại thoát ra không được xử lý, giảm thiểu; việc sử dụng hóa chất, chế phẩm vi sinh để xử lý, giảm thiểu mùi hôi chuồng nuôi không đảm bảo liều lượng.
Mặc dù công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí thải, nhưng việc xử lý mùi hôi vẫn còn chưa hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến khu dân cư xung quanh. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc xem xét, xử lý trách nhiệm của công ty, song tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục, gây bức xúc trong dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện và tập trung đông người trước trang trại.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến của nhân dân, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan và đưa ra các giải pháp khắc phục. Đồng thời, đề nghị công ty có biện pháp quản lý, vận hành hệ thống xử lý môi trường đảm bảo quy trình.
Đại diện Công ty Agri-Vina nhận trách nhiệm trong việc để phát tán mùi hôi thối vào khu dân cư. Đồng thời, cam kết từ nay đến 5/8/2024, doanh nghiệp tiếp tục giảm đàn, khắc phục hệ thống xử lý mùi. Khi nào khắc phục xong và đáp ứng được các tiêu chuẩn trong việc chăn nuôi mới tiến hành tái đàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thành Hoá Lê Đức Giang, khẳng định: Thanh Hóa luôn đồng hành với doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo lợi ích cho người dân và chính quyền sở tại. Tuy nhiên, hoạt động của trang trại thời gian qua đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân; có nguy cơ gây mất an ninh trật tự do việc kiểm soát môi trường chưa đảm bảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đình chỉ hoạt động trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh của Công ty Agri-Vina từ ngày 30/7/2024. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ các nguồn phát sinh mùi hôi để có phương án xử lý, điều chỉnh biện pháp xử lý phù hợp.