Đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính hay tình trạng thiếu cán bộ y tế, giáo viên trong khi đang phải thực hiện việc tinh giảm biên chế là vấn đề được quan tâm hiện nay. Mới đây, Bộ Nội vụ đã thông tin về vấn đề này tại buổi họp báo Quý III/2019.
Đã có phương án sáp nhập
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đang đặt ra.
Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2018 của Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo chỉ đạo của Bộ Chính trị đã yêu cầu các địa phương: Thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND ở cấp tỉnh, thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện ở những nơi có điều kiện theo quy định; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sáp nhập các thôn, tổ dân phố theo quy định (thực hiện từ năm 2018), thí điểm mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo ở những nơi có điều kiện (thực hiện từ năm 2021), thực hiện khoán kinh phí chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (thực hiện từ năm 2019);
Tiếp tục thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực và nhu cầu của thị trường, xã hội; thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, giảm số lượng cấp phó của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; giảm tối đa các ban quản lý dự án (thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành năm 2019).
Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Nội vụ
Về thí điểm sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, tại buổi họp báo về công tác Quý 3/2019 vừa qua, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: Căn cứ Kết luận của Ban Cán sự đảng Chính phủ tại Thông báo số 1063-TB/BCSĐCP ngày 11/9/2019, Bộ Nội vụ đang dự thảo văn bản báo cáo Bộ Chính trị về việc hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận số 34-KL/TW. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đến ngày 17/9/2019, Bộ Nội vụ đã nhận được phương án tổng thể của 41/46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đã có 19 tỉnh và Bộ Nội vụ đã tổ chức thẩm định. Đồng thời, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ Đề án của hai tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa.
Qua thẩm định Đề án, nhìn chung các địa phương đã bám sát các quy định của Đảng và Nhà nước để xây dựng hồ sơ; nội dung Đề án đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã để vừa đạt mục tiêu là giảm số lượng ĐVHC, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp; đồng thời xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Rà soát lại biên chế giáo dục, y tế
Về việc giao biên chế công chức, viên chức đến năm 2020, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1066/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 phê duyệt biên chế công chức của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2020. Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành các quyết định giao biên chế công chức năm 2020 đối với từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có mức tăng dân số cơ học cao và 05 tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát cụ thể số biên chế giáo dục, y tế của các địa phương để bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có viên chức y tế” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tiến hành thẩm định số lượng người làm việc (biên chế viên chức) và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định.
Tại cuộc họp mới đây do Bộ Nội vụ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Bộ Chính trị, Thủ tướng đã có chỉ thị về việc tuyển dụng các giáo viên hợp đồng vào biên chế tại các địa phương hiện nay sẽ do chủ tịch UBND các tỉnh quyết định, căn cứ vào nhu cầu vị trí việc làm của địa phương.
Tinh thần chung là những người ký hợp đồng trước ngày 31/12/2015, có đóng bảo hiểm thì giao cho chủ tịch UBND căn cứ vào vị trí việc làm, biên chế để tuyển dụng.
Thời gian qua, báo chí cũng đã phản ánh việc nhiều giáo viên hợp đồng lo lắng nguy cơ mất việc làm, còn các địa phương thì chưa tìm ra giải pháp phù hợp. Điển hình là có khoảng 3.000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội và hàng ngàn giáo viên hợp đồng tại các địa phương khác dù đã dạy học nhiều năm nhưng vẫn không đủ điều kiện xét tuyển đặc cách vào biên chế.
Trả lời về vấn đề này, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cho biết: Theo Nghị định 29/CP, giáo viên hợp đồng được xét đặc cách vào biên chế, nhưng Nghị định 161/CP sửa đổi Nghị định 29 quy định không được xét đặc cách. Nghị định 161 đã căn cứ vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng về sắp xếp đơn vị sự nghiệp.
Ông Long cũng cho biết, những năm trước đây tồn tại tình trạng giáo viên hợp đồng không đúng quy định pháp luật, Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng này. Vừa qua, để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về giáo viên hợp đồng, Bộ Chính trị yêu cầu các địa phương rà soát. Với trường hợp giáo viên làm hợp đồng làm việc đúng quy định, ký hợp đồng trước 31/12/2015 thì cho phép tuyển dụng đặc cách. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng tổ chức thi tuyển công chức để khắc phục vấn đề giáo viên hợp đồng. Chủ trương hiện nay là giao cho các địa phương chủ động giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng.
Theo phản ánh, hiện nay nhiều địa phương có tình trạng thiếu giáo viên, cán bộ y tế, ông Nguyễn Văn Lượng - quyền Vụ trưởng Vụ Biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã giao biên chế cho các địa phương thực hiện, phải bảo đảm không tăng biên chế. Bộ Nội vụ cũng đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng đã có văn bản giao cho các bộ Giáo dục và đào tạo, Y tế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát và báo cáo Thủ tướng để thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị.
Cũng theo đại diện của Bộ Nội vụ, việc giao biên chế công chức trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ thực hiện đúng theo quy định. Quá trình rà soát tình trạng thiếu biên chế y tế, giáo dục tại các địa phương phải gắn liền với sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, với sắp xếp lại bộ, máy, xác định vị trí việc làm.