Bùa ngải và ác mộng rừng già

Nam Hoàng| 17/04/2018 06:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng trăm năm qua, ở những bản làng vùng sâu vùng xa hay biên giới vẫn tồn tại nhiều chuyện hoang đường đến khó tin về ma tà, bùa ngải.

Những câu chuyện ấy, cùng với vô vàn hủ tục đeo đẳng ngàn đời, nó không chỉ khiến cuộc sống của những sơn dân nơi rừng xanh núi đỏ thêm phần khốn khó mà còn trở thành nỗi ám ảnh, khiếp sợ của nhiều người.

Nghi bị bỏ bùa, rủ bạn đi... giết người

Ngay từ thuở sơ khai, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã có rất nhiều những nghi lễ, phong tục truyền thống ảnh hưởng sâu sắc tới tín ngưỡng được truyền từ đời này qua đời khác. Trong đời sống tâm linh của đồng bào, thần thánh và ma quỷ luôn có chỗ ngự trị. Thực chất, có quá nhiều những câu chuyện hư hư, thực thực như thế ở những nơi thâm sơn cùng cốc. Khi trong nhà có người hoặc vật nuôi bị bệnh đau ốm, điều đầu tiên người ta thường nghĩ tới là bị “ma ám”, hoặc bị ai đó yểm bùa, bỏ bả. Và bi kịch cũng bắt đầu từ đó.

Cách đây ít lâu, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa Đinh Điêch (SN 1993) Đinh Gên (SN 1990), cùng ở làng Quel, xã Sró, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, ra xét xử về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án này ông Đinh Hi (SN 1954) cũng ở làng Quel, người bị nghi là đã bỏ bùa bỏ bả khiến người trong bản bị ốm đau bệnh tật...Theo lời khai của Điêch và Gên trước Tòa cũng như trước Cơ quan điều tra thì mọi việc bắt đầu từ khi trong làng Quel có nhiều người đột nhiên mắc bệnh và chết. Nghi ngờ ông Đinh Hi có thuốc thư hại người, nên Điêch quyết tâm ra tay để... “trừ họa cho dân”.

Bùa ngải và ác mộng rừng già

Phiên tòa xét xử Đinh Điêch, Đinh Gên cùng đồng phạm 

Một lần đi xem múa hát ở nhà rông, Điêch nhìn thấy ông Hi cũng đang ở đó. Hắn liền rủ Đinh Gên đánh chết ông Hi. Gên đồng ý. Khi thấy ông Hi đi bộ từ nhà rông về nhà, cả Điếch và Gên liền bám theo sau chờ cơ hội ra tay. Khi ông Hi về gần đến nhà thì bị Đinh Gên dùng cây gỗ đánh trúng vào người. Cùng lúc, Đinh Điếch dùng dao quắm lao vào tấn công làm ông Hi ngã gục xuống đường và chết. Sau khi sát hại ông Hi, Đinh Điếch và Đinh Gên liền kéo ông vào sát bụi tre gần đó, rồi đi vào nhà rông gọi Đinh Liung, Đinh A Lim đi giấu xác nạn nhân. Tất cả đều đồng ý. Tiếp đó, Đinh Điếch và Đinh Liung đi vào bụi tre khiêng xác ông Hi bỏ lên xe mô tô do Đinh A Lim điều khiển. Đinh Liung ngồi sau xe mô tô ôm giữ xác ông Hi.

Khi cả nhóm thanh niên này đi đến suối Chơ Brai (cách hiện trường xảy ra vụ án khoảng 7 km) thì Đinh A Lim dừng xe, rồi Đinh Liung và Đinh Điếch khiêng xác ông Đinh Hi bỏ xuống gầm cống suối Chơ Brai rồi lấy một cục đá đè lên bụng, sau đó tất cả đi về nhà ngủ. Ngày hôm sau, chị Đinh Thị Blep, cháu ruột của ông Hi, phát hiện ra xác của nạn nhân và báo với chính quyền. Biết tin, Đinh Điếch, Đinh Gên và các đồng phạm khác đã lần lượt đến Công an xã Sró đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội...

Kể từ khi gây án, cũng như trong suốt quá trình điều tra và lúc đứng trước vành móng ngựa, cả Đinh Điech và Đinh Gên đều tỏ ra ân hận về hành vi sai trái của mình. Khi được nói lời sau cùng, Đinh Điech bảo: “Cũng chỉ tại bị cáo thiếu hiểu biết nên mới nghĩ ông Hi là người đi bỏ “thuốc thư” khiến nhiều người trong làng bị chết. Bị cáo xin tạ lỗi với gia đình nạn nhân và cũng mong pháp luật khoan hồng để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời”.

Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt Đinh Điêch 8 năm tù; Đinh Gên 7 năm tù về tội “Giết người”. Còn Đinh Liung, Đinh A Lim bị tuyên phạt mức án 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “Che giấu tội phạm” .

Hai anh em dắt nhau vào lao lý

Cũng giống như Đinh Điêch, Đinh Gên, chỉ vì mù quáng tin vào chuyện bị bỏ bùa bỏ bả mà hai anh Đinh Văn Hút (SN 1989) và Đinh Văn Bẻo (SN 1994), đều ở thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, đã ra tay hạ sát bà Định Thị N (45 tuổi), người cùng thôn. Vụ án gây chấn động cả một vùng rừng núi Sơn Hà.  Nguyên nhân sâu xa của vụ án bắt nguồn từ vệc ông Đinh Văn Nương (60 tuổi, ở thôn Gò Da, xã Sơn Ba), bố đẻ của Đinh Văn Hút và Đinh Văn Bẻo, bị ung thư và chết. Nghe lời thầy bói nói nguyên nhân ông Nương chết là do bị người khác “cầm đồ thuốc độc”, người nhà ông Nương cho rằng bà Đinh Thị N chính là người hại chết ông Nương. Nghĩ vậy nên gia đình ông Nương cùng người trong thôn nhiều lần đưa bà N ra tra khảo, bắt thừa nhận việc “bỏ độc” hại chết người. Nhưng bà N không thừa nhận.

Bùa ngải và ác mộng rừng già

Chỉ vì mù quáng mà Sềnh phạm tội giết người

Sau đó, Hút và một em trai khác là Đinh Văn Hắp đã dẫn bà Na đi đến từng nhà lấy được 20 túi đồ độc (thực chất do bọn chúng cất giấu trước) làm ai cũng sợ và muốn đuổi bà N ra khỏi làng. Trốn khỏi làng được vài ngày, bà N về thăm chồng con thì bị Đinh Văn Hút và Đinh Văn Bẻo bắt trói và dùng gậy tra tấn cho đến chết. Sau khi đánh chết và chiếm đoạt tài sản của bà N gồm tiền bán 1 con bò, 2 con lợn và 4 đám rẫy, Đinh Văn Hút, cùng một số thanh niên khác chuyển sang tra khảo và đánh bà Đinh Thị Nới, người ở cùng thôn vì cho rằng bà Nới cũng là “đồng bọn” của bà N, chuyên đi bỏ độc hại người. Dù bị thương, bà Nới may mắn chạy thoát sau đó cùng chồng đến UBND xã tá túc, không dám về nhà vì sợ bị giết.

“Tối hôm đó tôi cùng chồng con ngủ trong nhà, bỗng nhiên nhiều người lao vào nhà la lối, kéo tôi ra ngoài trói lại và đánh đập, nạt nộ, bắt đưa đồ độc ra. Tôi van xin, khóc lóc nhưng họ không tha và đòi “phạt vạ”. Gia đình đã phải bán vội 5 con trâu, 2 con bò để nộp mà chúng vẫn tiếp tục hành hạ. Nhờ đêm tối mà tôi may mắn trốn thoát chứ nếu không chắc cũng bị chúng tra tấn cho đến chết”, bà Nới nhớ lại.

Với hành vi phạm tội của mình, hai anh em Đinh Văn Hút và Đinh Văn Bẻo đã bị TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên phạt với mức án lần lượt là 18 và 12 năm tù về tội Giết người. Âu đó cũng là cái giá mà những kẻ coi thường pháp luật, tự cho mình cái quyền tước đi sinh mạng, tài sản của người khác như Hút, như Bẻo. Đồng thời, đây cũng là bài học răn đe, cảnh tỉnh những người còn mê mụ tin vào bói toán, bùa ngải hay ma lai, “cầm đồ thuốc độc”.

Gà lợn ốm, vác súng bắn hàng xóm

Và chả cứ gì ở vùng rừng núi Sơn Hà hay Kông Chro, mà ở nhiều bản làng vùng sâu vùng xa dọc biên giới miền Trung hay biên giới phía Bắc vẫn còn tồn tại nhiều chuyện đau lòng xuất phát từ niềm tin đến mê lú của đồng bào vào ma tà, bùa ngải. Nhiều cái chết ẩn ức, nhiều gia đình bị cô lập, nhiều người còn bị chính ruột rà máu mủ của mình đánh đập đến “thập tử nhất sinh”, tất cả đều bắt nguồn từ sự u mê, mông muội.   

Mặc dù mấy năm gần đây, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thậm chí đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến mê tín dị đoan, nhưng thực tế “vấn nạn” ma tà, bùa ngải vẫn hiển hiện trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đôi khi chỉ từ những sự vật, hiện tượng thiên nhiên mà con người không lí giải được hoặc không có câu trả lời thỏa đáng, họ đều coi là thánh thần, ma quỷ. Niềm tin đó nó đã ăn sâu bám rễ, trường tồn và ám ảnh đeo đẳng qua hàng chục, hàng trăm năm trong các bản làng heo hút chốn rừng sâu. Thậm chí chỉ cần con gà, con lợn trong chuồng đổ bệnh, người ta đã có thể nghĩ ngay đến chuyện bị ai đó trù úm bỏ bùa bỏ bả, rồi “nuôi chí trả thù” như trường hợp Lý Văn Sềnh, ở thôn Hồng Ba, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Theo điều tra của cơ quan chức năng thì vào khoảng đầu năm 2016, gia đình Lý Văn Sềnh có lợn, trâu thường xuyên ốm. Trong thời gian này, Sềnh cũng thấy trong người mệt mỏi. Do nghi ngờ anh Lý Văn Xuân, người cùng thôn, bỏ bùa gây hại tài sản, sức khỏe cho gia đình mình, Lý Văn Sềnh đã nảy sinh ý định giết chết anh Xuân. Khoảng 14 giờ ngày 19/5/2016, Sềnh đã dùng một khẩu súng săn tự chế bắn hai phát vào anh Xuân gây thương tích, tổn hại 73% sức khỏe. Mới đây, TAND tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra xét xử và tuyên phạt Lý Văn Sềnh 13 năm tù về tội Giết người.

Thế mới thấy hủ tục, trong đó có từ mê tín dị đoan khi bị đẩy đến mức mù quáng bao giờ cũng để lại những hậu quả đau lòng. Những người bị nghi là “ma gà”, “ma lai” có thể không bị dân bản “tự xử án”, nhưng họ vẫn bị cộng đồng, gia đình xa lánh, ghẻ lạnh, phân biệt đối xử; thậm chí bị hành hung, gây thương tích. Thậm chí, nhiều thiếu nữ miền sơn cước được trời phú cho sắc đẹp tuyệt mỹ, bỗng dưng bị cho là hiện thân của “ma cà rồng”. Kể từ đó, cuộc sống của họ chỉ còn là những ngày u ám khi bà con dân bản đều nhìn họ bằng ánh mắt kinh sợ, xa lánh.

Và, sự kì thị bị đẩy lên đỉnh điểm khi họ bắt buộc phải rời bỏ quê hương, bản quán. Cuộc sống nơi rừng xanh núi thẳm vốn dĩ đang làm họ chênh vênh cùng những khó khăn, vất vả thì nay, những hủ tục và quan niệm mù quáng lại tàn nhẫn đẩy họ và gia đình xuống vực sâu không lối thoát.

Nhằm xóa đi niềm tin mông muội của đồng bào các dân tộc, thiết nghĩ chính quyền các cấp và các cơ quan đoàn thể ở vùng cao cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục. Chỉ có như thế, lời nguyền quái ác về bùa ngải, “ma gà”, “ma lai” giữa mênh mông đại ngàn mới dần được hóa giải, cuộc sống của đồng bào cũng vì thế mà được yên bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bùa ngải và ác mộng rừng già