Là đơn vị đứng chân trên địa bàn thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và huyện Năm Căn tỉnh Cà Mau, năm 2024, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 đã làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về chống khai thác IUU.
BTL Vùng Cảnh sát biển 4 được giao quản lý thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ bờ Bắc cửa Định An tỉnh Trà Vinh đến mũi Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang. Đây là vùng biển rộng lớn, tiếp giáp với vùng biển của các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia là nơi có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Với số lượng hoạt động của các tàu đánh bắt cá đông đúc, tấp nập trong khi nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm, nên sản lượng khai thác có nhiều thời điểm thấp, giá trị thu được từ những chuyến đi biển của ngư dân chưa tương xứng với mức đầu tư.
Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tàu các hoạt động trên vùng biển Tây Nam vi phạm các quy định IUU có thời điểm diễn biến phức tạp.
Để góp phần hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật khi ngư dân khai thác hải sản trên biển. Năm 2024, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 triển khai thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, an toàn trên biển kết hơp tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân và ngư dân trên các địa bàn được phân công quản lý.
Trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các địa phương ven biển về thực hiện Chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân. BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã cụ thể hóa nội dung Chương trình, bằng việc phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận các tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện.
Đại tá Nguyễn Thái Dương – Phó Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ và Quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam với Ban Thường vụ các Tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đảng ủy Vùng đã đưa việc thực hiện tuyên truyên pháp luật cho nhân dân vào nghị quyết thường kỳ để lãnh đạo và triển khai kế hoạch cụ thể bằng các đợt thực hiện Chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân, các Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”, chương trình “Tết hải đảo – Xuân biên cương”, các đợt tuyên truyền pháp luật gắn với thực hiện công tác an sinh xã hội trên các địa bàn, các nội dung thực hiện đều gắn với tuyên truyền chống khai thác IUU để góp phần cùng cả nước tháo gở thẻ vàng của Ủy ban Châu âu (EC).
Năm 2024, BTL Vùng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn nhất là Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, tiến hành khảo sát địa bàn, tình hình ngư dân để tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch tuyên truyền, trong đó đã chú trọng vào những nơi ven biển hải đảo, những nơi tập trung đông ngư dân, khu neo đậu của tàu thuyền để tổ chức tuyên truyền.
Nội dung tuyên truyền luôn được đổi mới và gắn với đặc điểm tình hình của từng địa phương nhất là tình hình hoạt động của tàu cá trên địa bàn, tình hình chấp hành các quy định của pháp luật của ngư dân tại địa bàn đó…, những điều ngư dân cần biết, cần tránh khi đánh bắt trên biển để không vi phạm các quy định của pháp luật.
Đã tổ chức thành công 07 đợt Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, 04 Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” tại 47 trường THCS và 26 buổi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho trên 64.500 lượt người, trao tặng 3.373 lá cờ Tổ quốc, 308 ảnh Bác Hồ, 234 túi thuốc y tế, cấp phát hơn 6.000 tờ rơi, sổ tay tuyên truyền pháp luật; vận động 315 chủ phương tiện, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm khai thác IUU.
Quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển đã kết hợp tuyên truyền trực tiếp cho 4.288 lượt tàu cá với gần 35.000 lượt thuyền viên, phát gần 37.000 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền và tặng hơn 5.000 cờ Tổ quốc; tổ chức tuyên truyền qua máy liên lạc nghề cá cho gần 13.000 lượt tàu với trên 114.000 lượt ngư dân, những việc làm đó đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân, hạn chế tình trạng ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền thời gian tới, Đại tá Nguyễn Thái Dương – Phó Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển cho biết: Đơn vị tiếp tục coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trong tuyên truyền chống khai thác IUU; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, bảo đảm cho công tác này ngày một thực chất và hiệu quả, hướng trọng tâm vào các đối tượng là chủ tàu, thuyền trưởng, đặc biệt là những chủ tàu, thuyền trưởng “có nguy cơ cao” tuyên truyền để ký cam kết không vi phạm khai thác IUU.
Trên biển quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin và máy liên lạc nghề cá, tuyên truyền trực tiếp cho các thuyền trưởng, ngư dân và phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn khai thác hải sản đúng quy định của pháp luật…
Những nỗ lực và kết quả của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 trong tuyên truyền biển đảo nói chung và tuyên truyền chống khai thác IUU đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân, hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, để mỗi con tàu, mỗi ngư dân thực sự là tai, mắt của lực lượng Cảnh sát biển trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh, an toàn trên Vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.