Không chỉ có “đôi bàn tay vàng”, BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng - Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC còn ân cần, tận tụy và phục vụ người bệnh với tâm niệm “Tinh thần của chúng tôi luôn sẵn sàng cả ngày đêm”.
Mang tâm thế sẵn sàng vì người bệnh, giỏi chuyên môn và không ngừng trau dồi công nghệ/ kỹ thuật tiên tiến... bác sĩ Thưởng luôn được Ban lãnh đạo tin tưởng, nhân viên kính trọng và là người “thầy” tài năng, trách nhiệm, đặc biệt luôn nhận được sự yêu mến, tin tưởng của biết bao người bệnh và gia đình họ trên khắp mọi miền đất nước.
Với bác sĩ ngoại khoa có “đôi bàn tay vàng” này, đằng sau vinh quang cứu người, là chuỗi ngày vất vả, hy sinh thầm lặng để mang đến sự sống, niềm vui, giá trị cho biết bao người bệnh ở khắp mọi miền đất nước. Hãy cùng chúng tôi lắng nghe những phút trải lòng để hiểu hơn tâm tư người “trong cuộc” này nhé!
“Đặt người bệnh lên hàng đầu”
PV: Vì đâu bác sĩ có cơ duyên làm việc tại chuyên khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC?
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng: Sau tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 2002, tôi chuyển về công tác tại khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK Sơn Tây và được đi học nâng cao bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Ngoại Khoa.
Năm 2006, do điều kiện gia đình nên chuyển công tác về BVĐK Tràng An. Tại đây, tôi may mắn được làm học trò của PGS.TS Nguyễn Đình Nhâm - Chủ tịch Hội trực tràng Việt Nam. Với sự dìu dắt của thầy, tôi quyết định đi chuyên sâu vào mảng Ngoại khoa Tiêu hóa, đặc biệt là mảng ung thư đại trực tràng.
Vì đây là chuyên khoa liên quan tới phậu trường (hậu môn) nên chỉ bác sĩ làm trực tiếp mới quan sát được toàn bộ hậu môn (không giống như phẫu thuật ở các cơ quan khác thì nhiều bác sĩ cùng nhìn thấy được), còn lại các y bác sĩ tham gia chỉ hỗ trợ, nên việc học tập cần thời gian dài. Sáu năm học tập liên tục từ thầy đáng kính, tôi mới chính thức độc lập thực hiện phẫu thuật các bệnh lý ung thư trực tràng.
Trong thời gian này, tôi được đào tạo khóa học bác sĩ chuyên khoa II chuyên sâu về Ngoại khoa, đặc biệt Ngoại - Tiêu hóa tại trường Đại học Y Hà Nội.
Sau những năm tháng là học trò của thầy, tôi cảm thấy vô cùng lạc lõng khi Thầy có tuổi và nghỉ hưu. Với mong muốn tiếp tục phát triển chuyên khoa Ngoại để đóng góp phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân, trong tôi nảy nở khát khao và mong muốn thử sức ở môi trường mới mẻ khác. Chính lúc này, biết BVĐK MEDLATEC cần tuyển bác sĩ ngoại khoa nên tôi quyết định thử sức tại đây từ tháng 10/2020 và gắn bó đến nay.
PV: Điều kiện thuận lợi nào khiến anh làm tốt việc quản lý trên cương vị là Trưởng khoa và bác sĩ phẫu thuật chính của Khoa?
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng: Bên cạnh niềm vui được đề bạt vị trí trưởng khoa Ngoại tổng hợp, “lính mới” như tôi khi ấy cũng gặp những áp lực nhất định. Nhưng với tinh thần “đặt người bệnh lên hàng đầu”, tôi được Ban lãnh đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi, cùng sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ anh em trong khoa, liên chuyên khoa cùng trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, nên quá trình triển khai dịch vụ tại khoa diễn ra thuận lợi, chất lượng.
Tinh thần sẵn sàng kể cả ngày đêm
PV: Hàng ngàn người dân biết đến anh là “đôi bàn tay vàng” của Bệnh viện, với mỗi ca phẫu thuật mới, bác sĩ có những lo lắng hay áp lực nào không?
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng: Là chuyên khoa liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người bệnh, nên không bao giờ tôi được phép làm sai. Sự tin tưởng của người bệnh và gia đình họ, cũng như sự giao phó tính mạng, sức khỏe của người bệnh, do đó, dù có kinh nghiệm dày dặn, nhưng tôi luôn cẩn trọng vì sự an toàn và hiệu quả điều trị trên từng ca bệnh.
PV: Với những ca cấp cứu có thể xảy ra bất cứ ngày đêm, vậy tinh thần làm việc của bác sĩ như thế nào?
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng: Tinh thần của chúng tôi là luôn sẵn sàng kể cả ngày đêm với sự hỗ trợ của các ê-kíp làm việc trực tiếp và sự hỗ trợ online, vì thế luôn bảo đảm sự huy động kịp thời.
PV: Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chuyên khoa Ngoại làm thế nào để giải quyết an toàn, tốt nhất cho người bệnh khi cấp cứu?
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng: Khi tiếp nhận ca bệnh dù trong giờ hành chính hay ngoài giờ, chúng tôi luôn bảo đảm có sự phối hợp nhịp, một quy trình khép kín từ khâu tiếp nhận, khám các chuyên khoa và phẫu thuật từ bác sĩ Hồi sức, bác sĩ chuyên khoa Ngoại, bác sĩ gây mê. Hoặc có sự hội chẩn cùng chuyên gia bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai… bảo đảm việc phẫu thuật cấp cứu thực hiện ngay, kể cả trong đêm. Trường hợp vượt chuyên môn, chúng tôi có những kênh chuyển tuyến nhanh chóng và thuận nhất cho bệnh nhân.
Không ngừng đi đầu ứng dụng công nghệ hiện đại
PV: Sau thời gian công tác tại MEDLATEC, anh có những tâm đắc gì về hoạt động thúc đẩy chuyên môn tại đây?
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng: Tại MEDLATEC, tôi vô cùng ấn tượng với việc tạo điều kiện của Ban lãnh đạo để nâng cao trình độ chuyên môn như cử đi đào tạo, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tại hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học.
Dù là bệnh viện ngoài công lập nhưng hoạt động sinh hoạt chuyên môn, giao ban chuyên môn tại đây đang được đánh giá là xu thế đi đầu cả nước. Trong mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn giúp tôi và đồng nghiệp học hỏi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên khoa khác nhau để áp dụng trực tiếp điều trị cũng như phối hợp hội chẩn giữa các bác sĩ với nhau.
PV: Được biết không bằng lòng “cái cũ”, bác sĩ còn quyết liệt đi đầu triển khai các dịch vụ mới triển khai, đó là những kỹ thuật/ dịch vụ nào, thưa bác sĩ?
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng: Với nhân sự gồm 04 bác sĩ ngoại khoa, 02 bác sĩ gây mê, 16 điều dưỡng, kỹ thuật viên và liên kết với các chuyên gia đầu ngành, khoa có đủ năng lực thực hiện tất cả kỹ thuật từ cơ bản đến chuyên sâu.
Riêng với cá nhân tôi, khi về MEDLATEC, tôi mạnh dạn đề xuất và triển khai thành công các phương pháp điều trị, kỹ thuật hiện đại như điều trị trĩ bằng Longo, tán sỏi nội soi ngược dòng, tán sỏi qua da, hoặc qua đường âm, phẫu thuật u sơ tiền liệt tuyến bằng dao cắt thế hệ mới nhất của Olympus…
Thời gian kết thúc làm việc là khi giải quyết xong bệnh nhân
PV: Mỗi ngày, công việc của anh được bắt đầu và kết thúc thế nào?
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng: Bác sĩ ngoại khoa chúng tôi không có thời gian hành chính kết thúc, thời gian kết thúc làm việc là khi giải quyết xong bệnh nhân. Và bữa ăn trưa cũng không cố định, có thể ăn đúng giờ vào 12h trưa, có thể là 2h chiều, 3h chiều, thậm chí là bỏ bữa cơm. Bởi những ca bệnh chưa kết thúc. Còn buổi tối ở nhà, tôi ăn một mình do về muộn thì vợ con ăn xong để cho con đi học bài rồi.
PV: Với guồng công việc tất bật ngày đêm, thời gian nào anh có thể dành cho gia đình?
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng: Tôi ít có thời gian dành cho gia đình. Với ngành y nói chung và việc xác định theo chuyên khoa Ngoại nói riêng, bản thân tôi cũng như vợ con luôn xác định sự vất vả nên có sự thấu hiểu, chia sẻ. Bởi việc rời nhà có thể là bất cứ lúc nào để thực hiện nhiệm vụ.
Hơn 20 năm ăn Tết dang dở
PV: Chúng ta vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài 7 ngày, hơn nữa, nhiều người dân có tâm lý ngại đi “xông đất” bệnh viện, chắc hẳn dịp này bác sĩ cũng có cái Tết trọn vẹn bên gia đình?
Chúng tôi tâm niệm bác sĩ là nghề cứu người, nên lúc nào người bệnh cần là “lên đường”. Đến nay, sau hơn 20 năm gắn bó với nghề y là chừng ấy thời gian tôi có cái Tết không trọn vẹn vì lịch trực, lịch mổ.
PV: Tiếng lành đồn xa, nên danh tiếng của anh đã được vang xa toàn quốc?
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng: Riêng với các bệnh lý chuyên sâu về hậu môn trực tràng, không chỉ có khách hàng ở phía Bắc, tôi còn có cơ hội được phục vụ cho cả khách hàng ở phía Nam đất nước bay ra phẫu thuật như TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai...
Với tôi, điều vô giá là khách hàng ở xa có đánh giá “không uổng công”. Sự lan tỏa giữa bệnh nhân cũ và bệnh nhân mới là kênh truyền thông của tôi hiện nay (cười).
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, kính chúc bác sĩ và ê-kíp y bác sĩ Chuyên khoa Ngoại, cùng y bác sĩ Hệ thống Y tế MEDLATEC nhiều sức khỏe, hạnh phúc để tiếp tục tận tâm, bền bỉ đem chuyên môn sâu và y đức nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian chia sẻ!