Vấn đề Brexit đã khiến không ít người, trong đó có các nhà lãnh đạo tại nhiều quốc gia bị "sốc". Đến thời điểm này, không còn là việc Anh và EU có muốn "chia tay", mà “cuộc chia tay sẽ diễn ra suôn sẻ” đang trở thành mong muốn của nhiều nhà lãnh đạo EU.
Cơ quan chức năng kiểm phiếu trưng cầu ý dân về Brexit ở London ngày 24/6. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Nhanh chóng đàm phán về việc Anh rời EU
Theo nguồn tin từ TTXVN, ngày 25/6, ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU), gồm Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg đã nhóm họp tại Berlin và ra tuyên bố chung kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về việc Anh rời khỏi EU.
Tuyên bố chung nêu rõ nhóm 6 nước trên bày tỏ lấy làm tiếc khi người dân Anh bỏ phiếu không ủng hộ quy chế thành viên của “xứ sở sương mù” trong EU, cho rằng quyết định của người dân Anh đã tạo ra “vết cắt“ trong lịch sử châu Âu và EU không chỉ mất đi một quốc gia thành viên, mà còn mất đi lịch sử, truyền thống và trải nghiệm của mình. Các nhà ngoại giao cũng cho rằng quyết định của cử tri Anh đã dẫn tới một tình thế mới và thỏa thuận giữ Anh lại EU mà Hội đồng châu Âu đạt được sau cuộc họp hồi tháng 2 vừa qua không còn ý nghĩa. Đại diện nhóm 6 nước kêu gọi chính phủ Anh cần nhanh chóng làm rõ và thực thi ý nguyện của cử tri Anh “trong thời gian sớm nhất”. Các nước EU sẵn sàng hợp tác với các thể chế EU khởi động các cuộc đàm phán định hình mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh.
Trong tuyên bố, đại diện 6 nước cũng nhấn mạnh sau quyết định của Anh, châu Âu sẽ tiếp tục nỗ lực vì một EU với 27 quốc gia thành viên mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn, dựa trên nhà nước pháp quyền và những giá trị chung. Châu Âu sẽ nỗ lực để đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn khác nhau nhằm đảm bảo rằng châu lục này có thể đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng của người dân. Châu Âu sẽ cùng tìm cách giải quyết những thách thức, đảm bảo an toàn cho mọi công dân; tạo ra một khuôn khổ chung, ổn định nhằm giải quyết dòng người di cư và tị nạn; thúc đẩy kinh tế châu Âu đạt tăng trưởng bền vững, tạo việc làm,…
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp 6 bên, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (Phranh Oan-tơ Xtên-mai-ơ) kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về việc Anh rời khỏi EU, không để EU rơi vào tình trạng “lấp lửng” và để châu lục có thể tập trung cho tương lai của mình.
Phát biểu cùng ngày tại thành phố Potsdam (Pốt-xđam), Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán giữa EU và Anh trên tinh thần “đối tác tương lai“. Bà cho rằng không nhất thiết phải nhanh chóng tiến hành cuộc “ly hôn“ giữa Anh với EU, đồng thời khẳng định Anh vẫn là “đối tác thân cận“ và là một thành viên đầy đủ với các quyền lợi và trách nhiệm trong EU cho tới khi hoàn tất các cuộc đàm phán về việc ra khỏi liên minh này.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu yêu cầu nhanh chóng tiến hành đàm phán về việc Anh rời EU. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz (Mác-tin Xun) yêu Anh đặt ra thời hạn cụ thể cho việc nộp đơn rút quy chế thành viên khỏi EU. Theo ông, London cần nộp đơn khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 28/6 tới, coi đây là thời điểm “phù hợp” để có thể nhanh chóng khởi động các cuộc đàm phán để Anh rút khỏi EU và thời gian này có thể kéo dài tới 2 năm.
Báo “Thương mại” (Handelsblatt) của Đức cùng ngày dẫn một tài liệu nội bộ của Bộ Tài chính Đức cho biết Anh sẽ được đề nghị tiến hành các cuộc “đàm phán mang tính xây dựng“ với EU, song nhận định đây sẽ là các cuộc đàm phán khó khăn. Báo trên cho rằng Anh và EU có thể đàm phán về một thỏa thuận liên kết, trong đó nêu rõ những quy định về thương mại cũng như các quy chế khác giữa EU và một nước ngoài EU. Ngoài ra, Berlin sẽ không dành cho London quá nhiều nhượng bộ và Anh sẽ không được tự động tiếp cận thị trường nội khối của EU, bởi điều đó có thể tạo ra tín hiệu sai lầm cho các nước EU khác đi theo vết chân của Anh.
Brexit là “câu hỏi đặt ra cho cả thế giới”
Trong một bối cảnh khác ngày 25/6, tại điện Elysée, Tổng thống Pháp François Hollande (Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ) đã gặp lãnh đạo các đảng phái chính trị có đại diện trong Quốc hội nhằm tìm hiểu quan điểm các đảng này trước việc người dân Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) để Pháp có đối sách phù hợp trong tương lai.
Cùng quan điểm với chính phủ Pháp là mong muốn Anh ra đi “sớm nhất có thể”, Bí thư thứ nhất đảng Xã hội cầm quyền (PS) Jean-Christophe Cambadélis (Giăng Crít-xtốp Căng-ba-đê-lít) cho rằng “không nên trì hoãn việc ở lại” và “giờ đây không phải là lúc nước Anh thiết lập chương trình nghị sự cho châu Âu”. Theo ông, cần phải tôn trọng quyết định của người dân Anh.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (Ni-cô-la Xác-cô-di), Chủ tịch đảng “Những người Cộng hòa” (LR) cho rằng cần khẩn trương xem xét các đề nghị liên quan đến việc cải tổ EU. Điều này có thể thực hiện thông qua một hiệp ước liên chính phủ mới. Ông nhấn mạnh: “Nước Pháp cần đề xuất ý tưởng này nhằm đặt nền tảng cho một Hiệp ước liên chính phủ mới để người dân châu Âu hiểu rằng tiếng nói của họ đã được lắng nghe”. Ông Sarkozy cũng nhấn mạnh châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, không phải là mối quan hệ với Anh mà là vấn đề xây dựng EU với 27 nước thành viên.
Trong khi đó, bà Marine Le Pen (Ma-rin Lơ Pen), Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), một lần nữa kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý về việc Pháp ra khỏi EU. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, bà cam kết sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như Brexit nếu bà được bầu làm tổng thống tại cuộc bầu cử tháng 5/2017.
Các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo các đảng phái chính trị khác của Pháp cho thấy quan điểm rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau của các đảng phái liên quan đến việc nước Anh nói lời chia tay với EU. Điều quan trọng là các quan điểm được đưa ra vào thời điểm khi còn chưa đầy một năm nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022.
Sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh được công bố, Tổng thống Hollande đã có nhiều cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo châu Âu và quốc tế. Ông kêu gọi một sự khởi đầu mới cho châu Âu sau "cú sốc" Brexit. Trong cuộc gặp Tổng thư ký LHQ Ban ki-moon (Ban-ki-mun) sáng 25/6, ông tuyên bố Brexit là “câu hỏi đặt ra cho cả thế giới” và mong rằng “cuộc chia tay sẽ diễn ra suôn sẻ”.