Brexit: Ly hôn, EU sẽ ra giá "chát" răn đe nước Anh?

Nhật Minh| 24/06/2016 13:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều người cho rằng, “vắng mợ thì chợ vẫn đông”. EU dù có nước Anh hay không thì cũng không có vấn đề gì. Nhưng, rất có thể, EU sẽ có biện pháp "răn đe" nhằm ngăn chặn nguy cơ Domino hậu Brexit...

Brexit: Ly hôn, EU sẽ ra giá

51,89% số người lựa chọn Ra đi, trong khi tỉ lệ chọn Ở lại là 48,11% là kết quả của cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại 382 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Anh. Như vậy, cuối cùng, sau 4 thập kỷ gắn bó với Liên minh châu Âu (EU), cuộc hôn nhân giữa "nàng công chúa xứ sương mù" Anh quốc với EU đã chính thức chấm dứt.

Trước đó, 7h00 sáng 23/6, hàng triệu cử tri Anh bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit, với hai lựa chọn sống còn: Ra đi (Out) hay Ở lại (In).  Theo số liệu của Ủy ban bầu cử, tổng số cử tri bỏ phiếu đạt gần 46,5 triệu người, cao chưa từng có. Nhiều điểm bỏ phiếu ở Anh đạt tỉ lệ cử tri đi bầu cao kỷ lục, bất chấp thời tiết xấu.

Brexit: Ly hôn, EU sẽ ra giá

Brexit: In hay Out?

Virus Brexit

Brexit được ghép từ hai từ “Britain” (nước Anh) và exit (thoát ra). Những người tham gia cuộc trưng cầu dân ý Brexit ngày 23/6 trả lời câu hỏi: Ra đi (Out) hay Ở lại (In) EU?

Tất cả công dân Anh từ 18 tuổi trở lên đều có thể đi bầu.

Công dân Anh ở nước ngoài đã đăng ký bỏ phiếu ở Anh trong ít nhất 15 năm gần đây cũng có quyền bỏ phiếu. Ngoài ra còn có những người đang sống ở Anh nhưng là công dân Ireland hoặc công dân các nước thuộc khối Thịnh vượng chung gồm 53 nước (trong đó có cả Australia, Canada, Ấn Độ và Nam Phi).

Người dân EU sống ở Anh không được quyền bỏ phiếu, trừ khi họ là công dân của Síp, Ireland hay Malta.

Đến thời điểm này, dù kết quả là "Brexit" (ra đi) nhưng Brexit vẫn là một trong những xu hướng từ khóa hàng đầu đối với người dùng Internet ở Việt Nam, với những câu hỏi như: Brexit là gì? Tại sao lại có Brexit? Điều gì sẽ xảy ra nếu Brexit?... v.v…

Với những chuyên gia phân tích, các nhà hoạch định chính sách, các nhà tư vấn, lãnh đạo các doanh nghiệp có hợp tác kinh tế với thành viên Liên minh châu Âu (EU)… thì Brexit không quá xa lạ, thậm chí có thể trở thành câu chuyện thường ngày bên tách café sáng hay cốc trà đá sau giờ cơm trưa. Những phụ huynh có dự định cho con du học ngay sau khi tốt nghiệp THPT hoặc đã nhập tịch, hoặc chuẩn bị nhập tịch nước Anh cũng không ngoại lệ...

Làn sóng Brexit tràn ngập các mạng xã hội, với các hashtag #Brexit, #WhyBrexit, #BrexitInorOut… Sức nóng của Brexit có vẻ như đã “lấn át” các chủ đề về quốc gia bí ẩn nhất thế giới CHDCND Triều Tiên, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), xung đột Nga - NATO, hay câu chuyện Biển Đông đang dậy sóng sắp các hội nghị Á - Âu suốt từ đầu năm 2016. Bởi, Brexit không chỉ đơn giản là chuyện Britain (nước Anh) sẽ Exit (ra đi) hay ở lại với ngôi nhà chung Liên minh châu Âu (EU), mà đó sẽ là vấn đề ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, cũng như các quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, các khu vực trên toàn thế giới.

Brexit - Truyện dài kỳ của “nàng công chúa xứ sương mù”

Ở châu Âu, và trong lòng nước Anh, Brexit không còn là câu chuyện của ngày hôm qua, một tuần, một tháng, hay một năm, mà là vấn đề tồn tại tới 4 thập kỷ nay.

Một số sinh viên chuyên ngành châu Âu học, yêu văn hóa, đất nước và con người Anh đã kể lại rất rành rẽ chuyện “nàng công chúa xứ sương mù” khó khăn ra sao mới được Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) chấp nhận trở thành thành viên vào năm 1973. Thế nhưng, chỉ hai năm sau đó, một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở đã được tổ chức tại Anh. Kết quả, hơn 67% người Anh chọn ở lại.

Brexit: Ly hôn, EU sẽ ra giá

Xã hội Anh cũng bị chia rẽ bởi Brexit khi người dân đứng giữa hai sự lựa chọn: In hay Out?

Liên minh châu Âu (EU) có tiền thân là Cộng đồng Than Thép châu Âu thành lập năm 1951, đây là nỗ lực của 6 nước (Đức, Bỉ, Ý, Luxemburg, Pháp, Hà Lan) nhằm hàn gắn rạn nứt của Chiến tranh Thế giới lần thứ II thông qua thương mại miễn thuế.

Năm 1957, Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) được thành lập. Vương quốc Anh đăng ký gia nhập từ năm 1963, nhưng đến năm 1973, nước này mới chính thức là thành viên của EEC.

Những người ủng hộ Brexit cho rằng trong 4 thập kỷ qua, EU đã thay đổi quá nhiều cả về quy mô và ngày càng trở nên quan liêu, khiến tầm ảnh hưởng và chủ quyền của Anh bị suy giảm. Họ không hài lòng với cách điều hành của Brussels (trụ sở của EU). Theo họ, tư cách thành viên EU chẳng những không mang lại lợi ích gì, mà còn tước đi của họ quá nhiều quyền như quyền thành lập thỏa thuận thương mại với các nước khác, quyền sử dụng nguồn lực của Anh cho công dân Anh, hay quyền kiểm soát biên giới quốc gia…

Nhiều người Anh cảm thấy bức xúc khi nguyên tắc “cho phép tự do đi lại và làm việc giữa các nước thành viên” đã gây quá tải cho các dịch vụ công, dịch vụ an sinh xã hội tại Anh khi công dân nhiều nước đổ xô đến đây sinh sống và kiếm việc làm. Đặc biệt, với những gì đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng di dân châu Âu, sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, các cuộc tấn công đẫm máu do những tay súng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành, thì ra đi trở thành lựa chọn hàng đầu của họ.

 

Brexit: Ly hôn, EU sẽ ra giá

Chọn Out (Leave) vì EU, với những người ủng hộ Brexit, không đem lại cho họ những gì mà họ mong muốn khi nước Anh có tư cách là thành viên của EU.

Thậm chí, các chuyên gia ước tính, nếu ra đi, Anh sẽ tiết kiệm được khoảng 8 tỷ euro mỗi năm do không phải đóng góp vào ngân sách của EU, thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung khiến giá thực phẩm của nước này có thể rẻ hơn. Đồng thời, Anh sẽ không phải lo lắng về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát khỏi các quy định tài chính châu Âu.

Thế nhưng, người muốn ở lại cũng có lý do của mình. Tương tự như khi “tìm đến” và thuyết phục các nhà lãnh đạo EU chấp nhận đơn gia nhập tổ chức, mong muốn của các nhà lãnh đạo Anh, người dân Anh nói chung, là thành viên của một tổ chức quốc tế có tiếng nói trên trường quốc tế như EU là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, cùng nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay.

Tại Anh, Thủ tướng David Cameron là người dẫn đầu phong trào “ở lại”, thậm chí ông có thể mất chức nếu như không đạt được mục tiêu thuyết phục người dân chọn con đường ở lại. Trong khi, Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove và cựu thị trưởng London Boris Johnson dẫn đầu phong trào “ra đi”.

Bên cạnh đó, hầu hết các chuyên gia kinh tế độc lập và các tập đoàn lớn cũng chọn phương án ở lại. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều thể hiện mong muốn, Anh sẽ không rời EU.

Các chuyên gia kinh tế chọn phương án ở lại cũng dự đoán, nếu ra đi, tốc độ tăng trưởng của Anh sẽ sụt giảm mạnh, đồng Bảng yếu đi đáng kể và Trung tâm tài chính London sẽ chịu nhiều thiết hại. Thậm chí ngay cả những người ủng hộ Brexit (Ra đi) cũng thừa nhận tác động tiêu cực sẽ xảy đến với nước Anh trong thời gian tới, và có thể phải đến năm 2030, nước Anh mới có thể giàu hơn.

Tuy nhiên, hậu quả cụ thể của Brexit như thế nào còn phụ thuộc vào các điều khoản sau khi Anh đàm phán với EU, đặc biệt là việc Anh có còn được phép tự do bước vào thị trường chung châu Âu nữa hay không.

Brexit: Một khi đã bước chân đi...

Chọn Ra đi, nhưng Anh vẫn còn 2 năm nữa để đàm phán với EU về nhiều khía cạnh của “vụ ly hôn” này. Đây chính là các cuộc đàm phán quyết định mối quan hệ giữa Anh và EU, và vấn đề chủ yếu xoay quanh hoạt động thương mại. Nếu Anh vẫn muốn nằm trong thị trường lớn nhất thế giới với 500 triệu người, chắc chắn các lãnh đạo EU sẽ đưa ra cái giá rất đắt để răn đe các nước khác.

Trước cuộc trưng cầu dân ý Brexit ngày 23/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố sẽ không có các cuộc đàm phán lại với Anh sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Paris cũng coi việc Anh rời khỏi EU - còn gọi là Brexit - là quyết định “không thể đảo ngược”. Ông cũng cảnh báo rằng Brexit sẽ đẩy Anh vào “nguy cơ hết sức nghiêm trọng” là London sẽ mất đi quyền tiếp cận thị trường duy nhất của khối.

Nhiều người nói vui, “vắng mợ thì chợ vẫn đông”. EU dù có nước Anh hay không thì cũng không có vấn đề gì. Thế nhưng, một số chuyên gia phân tích lại đưa ra một nhận định khác. Trong khi Ukraine cùng một số quốc gia châu Âu khác vẫn kiên trì quyết tâm gia nhập EU dù bị “phũ phàng” hết lần này đến lần khác, thì câu chuyện Brexit không chỉ là vấn đề Ra đi hay Ở lại, hay những tác động của Brexit đối với nền kinh tế nước Anh, EU, cũng như kinh tế toàn cầu...

Không khó để nhận ra cảm giác “bị xúc phạm”, hay “lòng tự tôn của châu Âu bị chà đạp” khi nước Anh một mực muốn Brexit. Do đó, dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit là Ra đi hay Ở lại chăng nữa, thì rất có khả năng, nước Anh sẽ phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để “hứng chịu đòn trừng phạt” của EU (theo một cách nào đó). Và đây chính là “liệu pháp răn đe” cho các thành viên ở lại hoặc chuẩn bị gia nhập EU trong tương lai nhằm tránh nguy cơ xảy ra hiệu ứng Domino hậu Brexit (!?).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Brexit: Ly hôn, EU sẽ ra giá "chát" răn đe nước Anh?