Sức Khỏe

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ việc dùng điểm môn Văn xét tuyển ngành Y

Duy Uyên 27/05/2023 - 22:40

Trước thông tin về việc dùng điểm môn Văn để xét tuyển ngành Y, đại diện Bộ Y tế cho biết, các trường có quyền đưa môn Văn vào tuyển ngành Y nhưng đề nghị làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của việc này.

Cần làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn

Năm 2023, trong hơn 20 trường đại học (ĐH) có đào tạo ngành sức khỏe, có đến 4 trường sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển vào ngành Y khoa.

4 trường bao gồm: Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) với tổ hợp học bạ D12 (Văn, Hóa, Anh); Trường ĐH Duy Tân có tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn) khi xét kết quả thi tốt nghiệp; Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng thêm tổ hợp khối B03 (Toán, Văn, Sinh) khi xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Việc sử dụng các tổ hợp chứa môn Ngữ văn để xét tuyển ngành Y khoa đã gây ra phản ứng trái chiều.

Đại diện các trường nhận định môn Văn cần thiết, cho thấy khả năng truyền đạt, sự cảm thông, chia sẻ - những yếu tố cần có ở một bác sĩ. Trong khi đó, nhiều bác sĩ và giảng viên Y khoa lo ngại, cho rằng cách chọn môn Văn chỉ để phục vụ chiến lược tuyển sinh.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế nói lãnh đạo Bộ băn khoăn trước việc các trường sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển vì chưa rõ căn cứ và cách thức tuyển sinh đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới chất lượng đào tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự quyết định, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Theo Quy chế của Bộ GD&ĐT, các trường có thể tự chọn môn trong tổ hợp xét tuyển, miễn là mỗi tổ hợp có tối đa ba bài thi, trong đó có Toán hoặc Văn. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo phải giải trình căn cứ khoa học và thực tiễn của phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển, dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.

"Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế rất muốn biết cụ thể nội dung giải trình này của các trường với Bộ GD&ĐT", ông Long nói.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đào tạo nói chung, trong đó có đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Bộ Y tế là cơ quan quản lý chuyên môn ngành y tế, tham gia quản lý về đào tạo nhân lực y tế trong quyền hạn được giao.

Bộ Y tế không quản lý đầu vào, đầu ra mà chỉ đưa ra các tiêu chuẩn làm cơ sở xây dựng và phát triển chuẩn chương trình đào tạo. Ngoài ra, Bộ cũng kiểm tra, rà soát việc đảm bảo các yêu cầu trong thực hành ở các trường Y.

Theo ông Long, lĩnh vực sức khỏe cơ bản là khoa học tự nhiên, cần tư duy logic, khả năng phân tích nhanh, đánh giá chính xác. Hầu hết ngành thuộc lĩnh vực này trong những năm qua sử dụng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Hóa, Lý), ngoài ra còn có A02 (Toán, Lý, Sinh); D07 (Toán, Hóa, Anh), D08 (Toán, Sinh, Anh)... Nhìn chung, Toán, Hóa, Sinh, Lý là những môn rất quan trọng và cần thiết với lĩnh vực sức khỏe.

Do đó, Bộ Y tế cho rằng các trường phải phân tích, giải thích rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn về sự cần thiết, lý do đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y. Tất nhiên, việc này tùy theo đặc điểm từng mã ngành bởi lĩnh vực sức khỏe hiện có 17 mã ngành đào tạo đại học.

Bác sĩ tốt nghiệp chỉ được phép hành nghề khi qua kỳ thi đánh giá năng lực

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT, Bộ Y tế không nắm, nhưng với việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới được ban hành, bác sĩ tốt nghiệp chỉ được phép hành nghề khi đã qua được 1 kỳ thi mà Bộ Y tế là cơ quan có trách nhiệm quản lý việc tổ chức, triển khai, thực hiện.

Điều đó có nghĩa là người học dù học ở bất kỳ trường ĐH nào, muốn hành nghề phải dự kỳ thi đánh giá năng lực do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện.

Đây là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Thi để được cấp chứng chỉ hành nghề trong thị trường lao động lĩnh vực sức khỏe là điều mà các nước phát triển đã làm từ lâu, nhưng ở ta sẽ được thực hiện trong thời gian tới, khi áp dụng luật Khám bệnh, chữa bệnh.

"Thí sinh năm nay nếu trúng tuyển thì 6 năm nữa mới ra trường. Khóa của các em chắc chắn sẽ phải dự thi đánh giá năng lực mới được hành nghề. Vì vậy, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo mong muốn các trường có đào tạo lĩnh vực sức khỏe hết sức có trách nhiệm trong việc tuyển sinh, đào tạo, để có chất lượng, đừng để các em mất công học hành 6 năm nhưng ra trường với kiến thức và kỹ năng không đảm bảo, không qua được kỳ thi", PGS.TS Long khuyến cáo.

Ông Long cho biết thêm, Bộ trưởng Y tế sẽ trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh khối ngành sức khỏe. Nếu thấy cần thiết, ông sẽ tham mưu gửi công văn sang Bộ GD&ĐT, đề nghị làm rõ việc tuyển sinh của các trường.

Hiện cả nước có 66 trường có đào tạo trình độ đại học các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh lĩnh vực này năm ngoái là hơn 37.500.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế yêu cầu làm rõ việc dùng điểm môn Văn xét tuyển ngành Y