Bộ Y tế đề xuất người chuyển giới muốn được công nhận cũng phải từ 18 tuổi trở lên, độc thân, có chứng nhận chuyển giới của bệnh viện.
Hiện nay, có khoảng 270.000 người tại Việt Nam có mong muốn chuyển đổi giới tính. Do đó, chính sách của Dự án Luật chuyển đổi giới tính được đặt ra có tính nhân đạo, nhằm bảo đảm quyền được sống đúng với giới tính của mình cho những người có mong muốn chuyển đổi giới tính.
Trong 8 nội dung được đưa ra tại hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế tổ chức, vấn đề độ tuổi được chuyển đổi giới tính cũng được nhiều ý kiến thảo luận.
TS Nguyễn Huy Quang
TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, độ tuổi rất quan trọng vì đây là quyền nhân thân của mỗi người, không ai đứng ra bảo lãnh được. Luật chuyển đổi giới tính tuân theo Luật Dân sự nên khi cá nhân có mong muốn thay đổi giới tính bản thân mà phải được bố mẹ cho phép thì không hợp lý. Do đó, quy định độ tuổi từ 18 là hợp lý, khi đó cá nhân mỗi người đủ năng lực hành vi dân sự.
Theo TS Quang, nên công nhận chuyển giới với trường hợp đã sử dụng hormone hoặc đã can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật ngực hoặc cơ quan sinh dục. Các trường hợp không có can thiệp y tế này thì không công nhận. Điều này đề phòng trường hợp tâm lý chưa chuẩn hoặc người trốn tránh về pháp luật, trốn tránh trách nhiệm về pháp lý, tránh người a dua, đua đòi. Nó cũng phù hợp với quy định các nước trên thế giới đang thực hiện.
Người chuyển giới muốn được công nhận cũng phải từ 18 tuổi trở lên, độc thân, có chứng nhận chuyển giới của bệnh viện.
Ông Quang nhận định, cho dù giải pháp nào cũng sẽ không thể bao quát hết tất cả mọi vấn đề, mọi đối tượng. “Tuy nhiên, cần phải có những quy định về điều kiện chuyển giới để hạn chế các tác động tiêu cực”.
Người chuyển giới băn khoăn nhiều về các điều kiện được công nhận chuyển giới
Về những trường hợp đã phẫu thuật bên nước ngoài có được công nhận tại Việt Nam hay không, TS Nguyễn Huy Quang cho biết, khi Luật chuyển đổi giới tính có hiệu lực, các cá nhân sẽ phải đến cơ sở khám chữa bệnh được cấp quyền, trình giấy chứng nhận về y học đã chuyển đổi giới tính để xem xét và khám sơ bộ. Nếu được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi giới tính, lúc đó, cá nhân sẽ ra cơ quan hộ tịch để thay đổi họ tên, giới tính, làm lại giấy khai sinh.
Được biết, sau khi đánh giá tác động, Bộ Y tế sẽ báo cáo với Quốc hội, sau khi được thông qua mới bắt đầu xây dựng Luật chuyển đổi giới tính, nhằm đảm bảo việc xây dựng Luật chặt chẽ, hợp tình, hợp lý hơn. Dự định Luật chuyển đổi giới tính sẽ được khởi động vào 1-2 năm nữa.
Hiện trên thế giới có 61 quốc gia cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, trong đó 38 quốc gia ở châu Âu yêu cầu để được công nhận chuyển đổi giới tính cần phải trải qua phẫu thuật. Điều kiện này cũng tương tự ở một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… Một số nước cho phép công nhận giới tính mà không cần trải qua phẫu thuật như Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi…