Bộ VHTT&DL: “Bất cập, lúng túng trong quản lý và cấp phép hoạt động biểu diễn”

Hà Thu| 14/06/2017 10:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, đáng chú ý trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện là vấn đề liên quan đến sai xót, gây bức xúc dư luận trong hoạt động cấp phép và tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui thời gian qua.

Bộ VHTT&DL: “Bất cập, lúng túng trong quản lý và cấp phép hoạt động biểu diễn”

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trước Quốc hội

Quản lý các hoạt động nghệ thuật còn lúng túng

Liên quan đến vấn đề quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận những sai sót và năng lực cán bộ còn yếu. Trong báo cáo của Bộ VHTT&DL có nêu rõ, hiện nay, công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn thời gian qua còn những bất cập và lúng túng.

Cụ thể là, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.

Bên cạnh đó, cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào (thực hiện cấp phép) mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước và tính chất hoạt động nghệ thuật thay đổi từng ngày, từng giờ.

Bộ trưởng bày tỏ, những sự việc xảy ra gần đây liên quan đến công tác quản lý nhà nước tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch được dư luận đặc biệt quan tâm, cho dù với bất cứ nguyên nhân và lý do gì cũng thực sự đáng tiếc. Đây là bài học sâu sắc đối với công tác quản lý nhà nước của ngành, Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu đối với những sự việc vừa qua.

Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi đã và đang tập trung quyết liệt để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đổi mới tư duy và phương pháp quản lý, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ và phương pháp điều hành của công chức thực thi công vụ để công tác quản lý nhà nước của ngành ngày càng hiệu quả hơn”.

Người đứng đầu ngành văn hóa cũng khẳng định, năng lực tốt thì đã không xảy ra những câu chuyện như vậy. Trong vấn đề liên quan tới việc thu hồi 5 bài hát, vấn đề cập nhật hơn 300 bài hát lên website có sai sót. Sai những nghiệp vụ rất sơ đẳng trong quản lý nhà nước, sai những cái không đáng sai. Không cần phải cấp phép cho danh sách những ca khúc trong đó có cả “Quốc ca” thì Cục NTBD lại cập nhật danh sách này vào danh mục cấp phép.

“Chúng tôi đã nhận trách nhiệm, đề ra những giải pháp, tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có những giải pháp nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ”, Bộ trưởng Thiện nói.

Bộ Trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho biết, hiện nay đã kiểm điểm trách nhiệm để có biện pháp nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ quan quản lý, cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân không kịp thời nắm bắt để triển khai thực hiện.

Bộ VHTT&DL đã và đang có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trên.

Nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý và cấp phép đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm thuộc chương trình xây dựng pháp luật năm 2017 và các văn bản, đề án trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.

Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ và các đơn vị theo quy định.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời xây dựng, ban hành Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh. Thường xuyên rà soát hệ thống pháp luật của Ngành để sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác và hội nhập của đất nước...

Tiếp tục pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của Ngành để đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc.

Kiện toàn bộ máy tổ chức pháp chế các cấp để đảm bảo hoạt động hiệu quả và nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Tăng cường công tác giám sát thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Thực hiện công khai hóa, kết hợp với cải cách hành chính, xây dựng cơ chế phối hợp, tự chịu trách nhiệm cá nhân trong các khâu quản lý, cấp phép... nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Xử lý nghiêm tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui

Liên quan đến tình trạng một số hướng dẫn viên du lịch “chui” gây bức xúc thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định, mặc dù ngành du lịch có những tiến bộ, nhưng có nhiều hạn chế, tồn tại, đặc biệt đối với các hướng dẫn viên du lịch và một số hướng dẫn viên du lịch chui. Có nghĩa là hướng dẫn viên du lịch không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề hướng dẫn viên du lịch.

Sự việc đáng tiếc này xảy ra ở các thành phố như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh và nhiều thành phố khác, đặc biệt vào những mùa vụ, khi du lịch nở rộ, lúc này lượng khách du lịch của một số nước tăng đột biến.

Ví dụ, khách Trung Quốc, Nga tăng đột biến, một số thị trường khách ngôn ngữ rất hiếm, chúng ta chủ yếu phổ biến là tiếng Trung, Anh, Pháp, còn các thứ tiếng khác rất hiếm. Tình hình đó xuất hiện du lịch chui, hiện nay cả nước có 18.960 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có hơn 11 nghìn là quốc tế và gần 8 nghìn là nội địa, so với lượng khách trên 10 triệu quốc tế và 62 triệu  lượt nội địa. Số lượng này đã đủ nhưng nó sẽ mất cân đối về ngôn ngữ, mất cân đối rất lớn về ngôn ngữ. Có nhiều thị trường gần như khi khách vào không có hướng dẫn viên cho nên dẫn đến công tác lữ hành của chúng ta xảy ra thiếu hụt tình trạng hướng dẫn viên cục bộ.

Trong báo cáo gửi các đại biểu, Bộ đã đưa ra một số giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, quản lý việc cấp thẻ hướng dẫn viên và công khai giám sát hướng dẫn viên được cấp thẻ trên trang web hướng dẫn viên.

Thứ hai, ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch trên toàn quốc sẽ phạt nặng các tình trạng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không phép, hoặc hoạt động chui sẽ phạt nặng. Đưa ra các giải pháp để giải quyết như tập trung đào tạo cấp thẻ hướng dẫn viên, bổ sung cho những địa điểm có khách du lịch tăng cao.

Tăng cường sử dụng hướng dẫn viên từ các địa phương khác đến làm việc. Phát triển đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại địa phương để phối hợp hướng dẫn viên suốt tuyến, giới thiệu và phục vụ khách du lịch. Để khắc phục tình trạng này, trong Luật du lịch (sửa đổi), chúng tôi có đề nghị đưa vào tiêu chuẩn hướng dẫn viên, rất mong Quốc hội chấp nhận và thông qua điều này. Sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hướng dẫn viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ VHTT&DL: “Bất cập, lúng túng trong quản lý và cấp phép hoạt động biểu diễn”