Liên quan đến việc sử dụng, quản lý đối với mạng xã hội, tại phiên chất vấn ngày 17/11, rất nhiều đại biểu đã quan tâm đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại phiên chất vấn
Lấy báo chí làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội
Trả lời câu hỏi của ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa): Theo báo cáo số 4120 năm 2017 của Bộ thì có 363 trang mạng xã hội trong nước cấp phép hoạt động, 2 mạng nước ngoài cùng cấp vào Việt Nam. Hai mạng xã hội này có đông người sử dụng nhất là Facebook và Youtube. Như vậy mạng xã hội đang được phổ cập rộng rãi. Có hay không thông tin trên mạng xã hội đang lấn át trên báo chí chính thống? Giải pháp gì tận dụng mạng xã hội nâng cao dân trí, hạn chế thông tin xấu trên mạng và định hướng dư luận xã hội?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng: Nói như vậy là gần đúng vì thực tế thông tin trên mạng xã hội không lấn lướt thông tin trên báo chí. Nhưng tốc độ truyền tin rất lớn, nhanh chóng và thậm chí áp đảo. Nhìn tổng thể, đa số người dân tin tưởng sự trung thực của thông tin trên báo chí hơn trên mạng xã hội.
Hầu hết các nước đều gặp phải vấn đề mạng xã hội lấn lướt báo chí. Nhưng luật pháp của họ có đủ để đối phó hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Đó là kinh nghiệm ta cần nghiên cứu tham khảo.
Trong điều kiện nước ta, thừa nhận rằng không khỏi lúng túng khi giải quyết vấn đề vì mạng xã hội phát triển mạnh mẽ trong khi pháp luật đang hoàn thiện. Tình trạng đó liên quan quản lý nhà nước về tự do ngôn luận còn lúng túng liên quan thông tin trên mạng xã hội. Đó cũng là rủi ro cần khắc phục bằng giải pháp nhà nước pháp quyền XHCN.
Luật pháp ta chưa hoàn chỉnh nhưng đủ cơ sở điều chỉnh hành vi phạm trên mạng xã hội nếu xác định đủ danh tính. Bộ luật Hình sự, Bộ luật dân sự đều điều chỉnh được. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp biết rõ danh tính nhưng không bị truy cứu thì đó là trách nhiệm cá nhân, cơ quan bị xâm hại không có động thái đòi lại công bằng cho riêng mình. Rồi cùng vi phạm nhưng người này bị xử lý, người khác chưa bị xử lý. Tình trạng này tạo nên đồn đoán người này được bảo kê, người kia thì không. Đó là vấn đề thực thi pháp luật.
Với người dùng mạng xã hội nặc danh, có làm việc với nhà mạng, có văn phòng đại diện để tuân thủ pháp luật Việt Nam và điều kiện nhà mạng và pháp luật quốc tế. Bước đầu khả quan, trên Youtube gỡ được hơn 5000 clip, họ nói cứ mỗi phút thì thời lượng đăng lên Youtube là 48 giờ nên khi nào mình thấy vi phạm mới chuyển cho họ xử lý, trong khi ta không đủ nguồn lực để theo dõi. Đang làm việc tiếp để Youtube có bộ chặn lọc, xoá và có tiến triển khi làm với google kết quả tốt hơn Facebook.
Cùng với đó, ban hành văn bản pháp luật mới điều chỉnh riêng cho mạng xã hội để đảm bảo thực thi nghiêm theo đúng tinh thần Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, chúng ta phải lên tiếng lấy báo chí làm hạt nhân, để lấy thông tin tích cực đẩy thông tin tiêu cực. Đồng thời phải thanh tra, kiểm tra nghiêm.
Hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội
Liên quan việc quản lý, sử dụng mạng xã hội, khi trả lời các băn khoăn của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về việc xuất hiện quá nhiều tin giả, xuyên tạc, chống phá và bôi nhọ lãnh đạo...
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thẳng thắn: Khoảng 15 năm trước dây chúng ta không nghĩ rằng mạng Internet mạng xã hội phát triển như hôm nay. Và chúng ta không lường trước được 15 năm trước chúng ta sẽ biết mạng xã hội phát triển ra sao. Mạng xã hội, Internet ra đời đã giúp con người xích lại gần nhau. Kho kiến thực đồ sộ của mạng xã hội làm chúng ta lúc nào cũng có cơ hội tìm kiếm kiến thức mọi nơi mọi lúc. Vai trò của Internet và mạng xã hội chúng ta không thể phủ nhận.
Tuy nhiên bên cạnh những tiện ích rất lớn thì tác hại do mạng xã hội mang lại không phải là nhỏ. Đó là thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn.
Bộ trưởng chia sẻ, nhiều người đặt vấn đề mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng hay không? Nếu nói rằng mạng xã hội như một con đường thì trên con đường đó có cả kẻ cướp có cả người bình thường. Vì vậy vấn đề là ý thức của người đi trên con đường đó.
ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An)
Theo Bộ trưởng, hầu hết những người sử dụng Facebook là người tốt, vẫn rất người với nhau. Nhưng dù chỉ có một bộ phận nhỏ, năng lượng đen, năng lượng xấu như ném đá nhau, nói xấu nhau vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Thậm chí từ 2014 tới nay có 5-6 trường hợp tự tử vì việc bị bôi nhọ trên mạng xã hội, vì tình trạng ném đá tập thể trên mạng xã hội. Người ta tung ra những lời nói chửi bới, lăng mạ nhau trên mạng xã hội mà bất chấp nạn nhân là ai, dẫn đến tình trạng năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc với các cơ quan liên quan để tăng cường năng lượng tốt, hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội. Thứ nhất Bộ tăng cường phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tuyên truyền làm rõ vai trò, tiện ích đồng thời làm rõ hạn chế của mạng xã hội. Thứ 2 là làm việc với các mạng xã hội nước ngoài tuân thủ luật pháp quốc tế. Đồng thời khi các mạng xã hội nước ngoài có mặt ở VN thì cũng phải tuân thủ pháp luật VN.
Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong thời gian qua Bộ cũng đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài và tác động gỡ bỏ những nội dung xấu độc, xâm phạm lợi ích Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tiếp tục tăng cường quản lý đối với lĩnh vưc báo chí
Trả lời chất vấn của ĐBQH Mong Văn Tình (Nghệ An) về tình trạng báo chí vi phạm tràn lan, đưa tin sai sự thật, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ, vai trò của báo chí từ trước đến nay đã được thể hiện rõ ràng, không có báo chí mọi hoạt động của xã hội không thể được phản ánh đầy đủ. Từ khi Đảng thành lập đến nay, báo chí luôn đông hành và phản ánh mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước nhân dân. Những nơi khó khăn nhất đều có vai trò của báo chí. Báo chí đi tiên phong, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của đảng, đưa đường lối, chủ trương , chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Có thể nói, báo chí đóng góp rất lớn, các thành công của Đảng, của đất nước đều có vai trò của báo chí. Thừa nhận sai phạm của báo chí vừa qua là rất lớn, đây cũng là vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây, nhưng Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, những sai phạm này không làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng, Luật Báo chí năm 2016 khẳng định quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, nhưng cũng quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan báo chí. Việc đăng tải thông tin sai lệch, gây hoang mang trong nhân dân là hành vi bị cấm. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là quy định liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí, và hoạt động báo chí.
Năm 2016, Bộ TT&TT đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với gần 150 cơ quan báo chí. Năm 2016 là năm Bộ xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay. Trong đó, vi phạm đưa thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ lớn. Đưa thông tin gây phương hại đến lợi ích của quốc gia có 2 cơ quan báo chí bị xử lý. Có thời điểm trong một tháng có 70 cơ quan báo chí bị xử lý về đưa thông tin sai sự thật, trong đó riêng vụ nước mắm có 50 cơ quan báo chí bị xử lý; vụ cháu bé tự tử ở Gia Lai có 12 cơ quan báo chí bị xử lý. Như vậy, việc tăng cường xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc, mọi hành vi cố ý hay vô tình xâm hại lợi ích quốc gia đều được xử lý nghiêm.
Trong các cuộc giao ban đốivới các cơ quan báo chí hàng tuần, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các cơ quan báo chí thực hiện đúng quy định pháp luật về nội dung thông tin, bảo đảm thông tin khách quan, chính xác và kịp thời.
Tới đây, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cam kết, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với lĩnh vưc báo chí; rà soát lại việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; rà soát lại việc cấp thẻ nhà báo, khi không đủ yêu cầu thì phối hợp với cơ quan báo chí rút thẻ nhà báo với trường hợp cần thiết. Bộ cũng kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định liên quan đến việc cấp giấy tờ, các loại thẻ nhầm lẫn với thẻ nhà báo. Điển hình như năm 2016, trước tình trạng có nhiều cơ quan báo chí cấp loại thẻ mà nếu nhìn vào không để ý có thể nhầm tưởng là thẻ nhà báo, Bộ đã xử lý thu hồi, thậm chí trong đó xử lý một Phó Tổng biên tập một cơ quan báo chi do cấp thẻ không đúng quy định, để xảy ra tình trạng giả mạo các loại giấy tờ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo đi sách nhiễu các doanh nghiệp.
Không có chuyện lấn át hay xã hội hóa truyền hình
Trả lời về vấn đề xã hội hóa truyền hình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, xã hội hóa truyền hình thực hiện chiếu nhiều chương trình trong công tác liên kết mà hầu hết là chương trình giải trí. Trong đó, xu hướng tăng cường giải trí, xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc. Nhiều chương trình xã hội hóa hiện nay lớn và cũng có nhiều vấn đề.
Gần đây hầu hết các đài có quy trình chuẩn chấn chỉnh từ kiểm duyệt liên kết đến nội dung khác. Chương trình xã hội hóa và liên kết mức độ vi phạm giảm nhiều. Tuy nhiên sai sót vẫn có và cần tăng cường vai trò của cơ quan báo chí khi thực hiện liên kết, vai trò của bộ về quản lý.
Bộ TT&TT thường xuyên tăng cường kiểm tra, nhắc nhờ, xử lý và đưa ra cơ chế mà các Đài đang thực hiện là tự sản xuất trên 30%, liên kết không được quá 50% chương trình.
Các kênh truyền hình thiết yếu vẫn thế nên không có chuyện lấn át hay xã hội hóa truyền hình.