Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Thầy cô là nhà giáo dục, không phải là thợ dạy”

Thảo Nguyên| 17/04/2019 22:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 17/4, gần 20.000 đại biểu tham gia ở các điểm cầu Hội nghị trực tuyến do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức đã thể hiện sự đồng tình, quyết tâm cao trong đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, thời gian qua đã có nhiều văn bản quy định của pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

Riêng Bộ GD&ĐT cũng có nhiều thông tư liên quan cũng như những văn bản cá biệt, chỉ thị về nội dung này, mà mới đây nhất là Chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, bạo lực học đường có xu hướng lan rộng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do đặc điểm lứa tuổi, tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và các tác động khác từ môi trường gia đình, xã hội…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Thầy cô là nhà giáo dục, không phải là thợ dạy”

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, giải pháp cho nạn bạo lực học đường là lấy phòng làm chính

Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định, bạo lực học đường đang nổi cộm trên mạng xã hội đó là những vấn đề thường ngày của nhà trường, bởi đã là trẻ con có nhiều chuyện xảy ra và bạo lực sẽ sống mãi với nhà trường chứ không thể hết được. Trong thời đại bùng nổ thông tin vấn đề sẽ bị đẩy lên ở mức độ cao và lan toả rất nhanh.

“Tôi cho rằng không quá khi đánh giá nguyên nhân bạo lực học đường do đạo đức, để đưa ra những biện pháp kỷ luật. Nhà trường phải giải quyết bạo lực học đường dưới góc độ tâm lý giáo dục, tâm lý lứa tuổi học sinh, tâm lý giáo dục”, ông Hòa nhấn mạnh.

Ở góc độ nhà trường, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, nhiều vụ việc bạo lực xảy ra trong phạm vi nhà trường nhưng các thầy cô còn lúng túng, sợ trách nhiệm trong xử lý. Nhà trường cần phối hợp với phụ huynh, cơ quan bảo vệ pháp luật chủ động giải quyết vấn đề. GS Minh cũng đề xuất các trường nên có lớp tư vấn cho phụ huynh, vì có lỗ hổng trong đào tạo trẻ khi cha mẹ thường phó mặc cho nhà trường hoặc thể hiện sự chưa mẫu mực.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, xem nhẹ bất cứ một khâu nào trong nguyên lý nhà trường - gia đình - xã hội thì hiệu quả công tác phòng chống bạo lực học đương sẽ không cao. Tuy nhiên, ngành giáo dục phải tiên phong, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này. Vai trò của nhà trường, nhất là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách đoàn, đội, ban giám hiệu cần được nâng cao. 

Nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong đẩy lùi bạo lực học đường, Bộ trưởng cho rằng, thầy cô là nhà giáo dục, không phải thợ dạy. Các trường sư phạm phải chú trọng ngay từ khâu đào tạo giáo viên, thầy cô phải có năng khiếu sư phạm, yêu nghề mến trẻ; chương trình đào tạo cho giáo viên cũng phải thay đổi để từng thầy cô phải coi phòng chống bạo lực học đường là nhiệm vụ của mình trong công tác giáo dục. 

Năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung thực hiện 6 giải pháp cơ bản nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường, trong đó có việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tích hợp nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh vào chương trình, hoạt động giáo dục, tăng trách nhiệm của giáo viên, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo. Bộ GD&ĐT cũng sẽ xây dựng và ban hành quy trình xử lý truyền thông, nhằm hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục khi có sự cố; thành lập đường dây nóng nhằm kịp thời ghi nhận, xử lý các ca bạo lực học đường...

Với sự đồng thuận, cộng đồng trách nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thể hiện niềm tin và sức lan tỏa của hội nghị về đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường. Bộ trưởng đồng thời lưu ý cần tăng cường phổ biến các văn bản, quy định, đặc biệt văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị, thông tư của Bộ GD&ĐT có liên quan đến vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Thầy cô là nhà giáo dục, không phải là thợ dạy”