Chúng tôi cùng với các địa phương cố gắng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình đối với hai dự án trọng điểm này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định trước Quốc hội.
Trong 3 ngày thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của Quốc hội vừa qua, ĐBQH đã đưa ra nhiều ý kiến về thực hiện hai dự án quan trọng: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Cảng hàng không quốc tế Long Thành; yêu cầu làm rõ tiến độ, tình hình giải ngân của hai dự án này, do Quốc hội đã bố trí ngân sách.
Trong phiên thảo luận sáng nay (29/10), Đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) đang có khoảng trống pháp lý. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu. Thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập.
"Dự án BT có thể trở nên biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước", ông Diến cảnh báo.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị thu hồi 4.515 tỷ đồng qua các dự án BT. Nhiều dự án, nhà đầu tư được giao nhiều khâu như lập dự án, lập dự toán đầu tư, thẩm định dự án, giám sát dự án… Điều này có thể dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, gây thất thoái cho ngân sách.
Từ đó đặt câu hỏi việc thực hiện dự án BT chưa thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách. Và đặt câu hỏi có nên thực hiện tiếp hay không? Có cần thiết phải có thể chế mới về hình thức đầu tư này hay không? Chính phủ cần cân nhắc và báo cáo Quốc hội.
ĐB Trần Đăng Ninh (Đoàn Hòa Bình) cho rằng về các dự án BT, vướng mắc hiện nay là dừng thanh toán quỹ đất, khi có hướng dẫn mới. Đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đã ứng vốn thực hiện dự án.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, có giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án có tính trọng điểm, liên vùng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng tập trung làm rõ các băn khoăn của đại biểu về tiến độ thực hiện cũng như giải ngân cho hai dự án trọng điểm là cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Sân bay Long Thành trong khi Quốc hội đã bố trí ngân sách.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Bộ GTVT xem như nhiệm vụ trọng tâm, tuy nhiên tiến độ còn chậm. Trong 3 năm vừa qua, Bộ GTVT đã tiếp 112 đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán và kể của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong các kết luận kiểm tra, kiểm toán này đều yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật. Dự án này thực hiện đúng trình tự, thủ tục, không được phép sai sót khâu nào để vừa bảo đảm thời gian, chất lượng, vừa đúng trình tự, thủ tục.
Để thực hiện dự án này, sau khi Nghị quyết 52 của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các bộ ngành, trong đó có Bộ GTVT. Sau khi có ý kiến của Chính phủ, Bộ triển khai đấu thầu tư vấn lập dự án. Sau đó mất 2 tháng lựa chọn nhà tư vấn phù hợp. Sau quá trình này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ còn làm nhiều việc, như đánh giá tác động môi trường, xây dựng khung giá bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng với các dự án cụ thể; thống nhất với các địa phương về quy mô, các tuyến đi qua.
“Công tác này mất nhiều thời gian vì phải thống nhất các đường chung, cầu các tuyến, đường tránh…”, Bộ trưởng cho biết, và được cơ quan tư vấn tiến hành khẩn trương, nên hiện Bộ đã phê duyệt 5 dự án, còn 5 dự án nữa đang trình Chính phủ cho ý kiến, dự kiến đầu tháng 11 sẽ phê duyệt 10 dự án.
“Dự án cầu Mỹ Thuận chậm do là dự án lớn nên phải thuê tư vấn thực hiện lập thiết kế kỹ thuật lâu, tuy nhân vẫn phấn đấu trong năm 2018 sẽ phê duyệt toàn bộ 11 dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Như vậy, “việc thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục; đến thời điểm này cơ bản hoàn thành thiết kế dự án; dự kiến đến năm 2019 hoàn thành bản vẽ thi công dự án, để hai năm 2020 và 2021 tập trung hoàn thành dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Về dự án Sân bay Long Thành, Quốc hội thống nhất tách dự án giải phóng mặt bằng và có Nghị quyết 54 giao UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ GTVT thực hiện. Tháng 3/2018, tỉnh Đồng Nai đã trình Chính phủ về dự án giải phóng mặt bằng và tiếp tục trình lần 2 vào tháng 7 vừa qua. Hiện 25 thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất ý kiến, hồ sơ đã trình Chính phủ và dự kiến đầu tháng 11 sẽ được phê duyệt. Căn cứ vào đó, tỉnh Đồng Nai sẽ kiểm đếm và tiền sẽ được bố trí để giải phóng mặt bằng.
Song song với đó, Bộ GTVT đã tiến hành đấu thầu quốc tế, lập dự án tổng thể giai đoạn 1. Liên doanh 3 nhà thầu, trong đó có 3 nhà thầu của Nhật Bản và 2 nhà thầu trong nước đang khẩn trương lập dự án và sẽ cố gắng báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2019.
"Nói chung hai dự án này chúng tôi tập trung khảo sát, thiết kế, lập dự án. Do đó, kinh phí được bố trí nhưng chúng ta chưa sử dụng được", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, nếu tháng 11 này Chính phủ phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng của dự án Long Thành thì UBND tỉnh Đồng Nai sẽ bắt đầu sử dụng số tiền 23.000 tỷ đồng. Riêng 55.000 tỷ của cao tốc Bắc Nam phía Đông thì tháng 1/2019, sau khi bàn giao cho địa phương thì các địa phương sẽ chọn từng đoạn đơn giản nhất để làm trước và tiền giải phóng mặt bằng mới bắt đầu chi trả. Còn hơn 27.000 tỷ đồng mà Nhà nước đầu tư vào hơn 600km đường cao tốc thì phải đến tháng 9/2019 sau khi chọn được nhà thầu tham gia 8 dự án đối tác công tư thì lúc đó mới bắt đầu chi trả để thực hiện.
"Chúng tôi cùng với các địa phương cố gắng thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình đối với hai dự án trọng điểm này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định trước Quốc hội.