Chiều 13-6, Quốc hội tiếp tục với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh. Bộ trưởng được khá nhiều đại biểu “hoan nghênh” về phần trả lời quanh nội dung đầu tư công và việc quản lý phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Bộ trưởng rất "xót xa" trước sai phạm của Vinaline
Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đại biểu Lê Thị Nga - Thái Nguyên đề cập ngay đến việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đại biểu Nga thắc mắc tại sao Nhà nước có giám sát quản lý thường xuyên tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà vẫn để sai phạm kéo dài, chậm phát hiện. Vậy trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như thế nào?
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận phần lỗi của Bộ trong việc tham mưu cho Chính phủ về các chế tài quản lý DN nhà nước. Bộ trưởng cho biết, theo các quy định của Nhà nước hiện hành, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được quyền quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền doanh nghiệp mà không phải báo cáo nên Bộ thật sự không nắm được, cụ thể là cả với Vinashin và Vinaline. Bộ trưởng cho rằng, để khắc phục bất cập này, cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước. Hiện Bộ đã xây dựng các phương án quản lý phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước nhưng khi trình Chính phủ, còn nhiều ý kiến khác nhau, nên chưa ban hành được.
Còn đại biểu Trần Du Lịch - Tp. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có xót xa không khi mà một nguồn lực lớn của nhân dân giao cho một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bị sử dụng sai mục đích, lãng phí, nhưng các bộ lại gần như đứng ngoài cuộc trong các quyết định đầu tư của các doanh nghiệp này do phân cấp của luật, do chậm ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh?”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết ông không chỉ xót xa mà còn trăn trở về việc sử dụng vốn Nhà nước sai. Theo Bộ trưởng, hầu hết luật cơ bản chưa được hoàn thiện nhưng không thể đổ lỗi chính cho việc này mà những sai phạm vừa rồi chủ yếu liên quan đến con người. Việc quan tâm đến phẩm chất cán bộ theo Bộ trưởng là rất quan trọng. Chính phủ đang quyết tâm làm rõ chủ thể đại diện doanh nghiệp Nhà nước là ai và phân rõ ai chịu trách nhiệm về các doanh nghiệp Nhà nước.
Góp ý thêm cho khâu quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Tp. Hồ Chí Minh cho biết, quan trọng là phải giảm nhanh số lượng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bằng cổ phần hóa; quan tâm đến vấn đề con người ở các tập đoàn và tiến hành kiểm toán hoạt động của các tập đoàn một cách độc lập, công khai, minh bạch.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, trong quá trình tái cấu trúc tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, khâu lúng túng nhất hiện nay là tách bạch giữa quyền quản lý nhà nước và vai trò của quản lý Nhà nước với chủ sở hữu. Chính vì vậy, Bộ đã đề xuất thành lập cục quản lý và giám sát vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước. Bộ trưởng thừa nhận, hiện vai trò giám sát tại các doanh nghiệp Nhà nước rất lỏng lẻo, do đó, cần tăng cường giám sát ở cả 3 tầng: bản thân các tập đoàn; vai trò các chủ sở hữu và giám sát của các cơ quan nhà nước.
Về trường hợp của Vinaline, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ đã nhiều lần có văn bản báo cáo Chính phủ tình hình hoạt động tại Vinaline giai đoạn 2009-2010 và đã có khuyến cáo cũng như cảnh báo cụ thể với tổng công ty. Chính qua các vụ việc ở Vinashin, Vinaline, Chính phủ mới đặt vấn đề tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước.
Khắc phục đầu tư dàn trải, lãng phí, cơ chế xin - cho
Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng cho biết, việc chạy dự án lâu nay vẫn râm ran, đặc biệt là với các dự án do Bộ KH&ĐT chỉ định thầu. Vậy có chuyện này không, bao giờ chấm dứt? Những dự án bị giãn, hoãn do đầu tư dàn trải thì khắc phục thế nào? Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng truy vấn trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc để cắt giảm đầu tư công quá mức gây nhiều hệ lụy khiến nhiều dự án quy hoạch treo, nhiều dự án đình hoãn gây lãng phí…
Các đại biểu chất vấn tại hội trường. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, nền kinh tế nước ta còn đang nhỏ bé nên nhu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng là rất lớn. Do đó, địa phương phải bố trí nhiều dự án. Mặc dù chúng ta đã mạnh tay phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương nhưng chưa đủ chế tài để quản lý. Các địa phương được quyết định đầu tư từ nhóm A đến nhóm C, Quốc hội và Chính phủ chỉ còn quyết các công trình có vốn từ 35.000 tỷ đồng trở lên nên Trung ương không quản lý hết được và cũng chưa có chế tài giám sát chặt chẽ. Quy định là các địa phương phải báo cáo lại Bộ nhưng Bộ cũng rất ít khi nhận được báo cáo. Do đó, trách nhiệm trong việc đầu tư dàn trải, lãng phí có cả 2 phía.
Theo Bộ trưởng, một nguyên nhân nữa gây ra sự phân tán trong đầu tư công là vì các địa phương phải làm cả nhiệm vụ kinh tế nên không địa phương nào không phải lo đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chính vì để khắc phục cơ chế xin-cho, Chính phủ đã thay đổi việc phân bổ ngân sách theo hướng vẫn phân cấp như cũ nhưng Trung ương không duyệt chi tiết từng dự án mà chỉ duyệt tổng vốn, các địa phương tự lựa chọn danh mục đầu tư để quyết định theo nguyên tắc của Quốc hội và Chính phủ và tự chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn, nếu lo đủ mới ký, nếu ký mà làm thất thoát, kéo dài thì người ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Kể từ năm nay, Bộ KH&ĐT đã giao ngân sách cho các địa phương, các bộ sử dụng vốn theo nguyên tắc “một cục”, cho giai đoạn từ 3-5 năm để các địa phương biết mà cân đối, chọn dự án mà làm, không phải chạy nữa.
“Nếu chúng ta làm tốt được việc này thì sẽ chủ động, hiệu quả hơn nhiều trong đầu tư, sử dụng vốn”, Bộ trưởng khẳng định.
V.A