Bộ trưởng Giao thông vận tải trả lời chất vấn "nóng" liên quan đến BOT

Nhóm PV| 04/06/2018 15:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc đấu thầu trong các dự án BOT, thu phí, giá tại các trạm BOT, chênh lệch giữa dự toán với kết quả kiểm toán... là những vấn đề được các ĐBQH quan tâm chất vấn Bộ trưởng Giao thộng vận tải Nguyễn Văn Thể trong phiên chất vấn sáng nay (6/4).

Sáng nay, sau phần Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV do Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên với nhóm nội dung về việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước

Không có dự án BOT nào không đấu thầu

Liên quan đến việc đấu thấu các dự án BOT, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phản ánh, một số cử tri cho biết một số doanh nghiệp tại các đị phương được chỉ định thầu hoặc đấu thầu cho có. Điều này dẫn đến độc quyền, đội vốn. Thực tế, có dự án đội vốn 36 lần. Từ đó đại biểu hỏi Bộ trưởng Giao thông vận tải có nắm được tình trạng này không?

Bộ trưởng Giao thông vận tải trả lời chất vấn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn sáng nay 4/6

Bộ trưởng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời: Tôi khẳng định không có dự án BOT nào không đấu thầu và công khai. Bộ công khai trên trang web 1 tháng theo đúng quy định. Trong 1 tháng đó, các nhà đầu tư quan tâm sẽ nghiên cứu hồ sơ để đấu thầu.

Thực tế cho thấy, với dự án có 2 nhà đầu tư trở lên thì sẽ đấu thầu. Nhưng nhiều dự án BOT, các nhà đầu tư chưa quan tâm. Bởi có 1 nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ nên không thể đấu thầu. Có nhiều dự án chúng tôi kéo dài thời gian nhưng không có thêm nhà đầu tư. Quy định cho phép được chỉ định thầu khi có 1 nhà đầu tư. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư kiểm tra.

Luật đấu thầu của chúng ta rất chặt chẽ. Nếu phát hiện thông thầu, vi phạm luật sẽ xử lý. Tôi thừa nhận một số dự án được chỉ định thầu, tiến độ kéo dài gây lãng phí là có. Các nhà thầu tham gia nhiều dự án, trúng nhiều dự án ở các địa phương dẫn đến yếu kém năng lực tài chính 1 thời điểm, dẫn đến dự án chậm, lãng phí.

Bộ GTVT họp giao ban hàng tháng, hàng quý với các nhà thầu để đốc thúc. Về việc thực hiện quyết toán các dự án, tôi cho rằng Bộ GTVT đã làm đúng theo quy định của phát luật. Chúng tôi nhận thức các dự án PPP, dư luận sẽ rất quan tâm.

Vì thế, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán. Khi triển khai về vị trí, mức thu đều có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Hiện nay, cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội để lập nghiên cứu dự án tiền khả thi, khả thi… Làm sao để tránh đội vốn, không bị chậm tiến độ.

Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ví dụ về bài báo trên Dân Trí: “Kiểm toán 30 dự án BT, kiến nghị xử lý 4.500 tỷ đồng”. Bài báo nói rõ hầu hết trong số 17 dự án BT năm 2017 lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh, tiềm ẩn rủi ro do chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Một số dự án rất lớn, người ta nói công trình giao thông chỉ phục vụ cho dự án bất động sản mà nhà đầu tư được đánh đổi. Những con đường đó cực kỳ đắt bởi sự đánh đổi ấy. Điều tôi muốn nói là kiểm toán nêu rồi thì xin Chính phủ, bộ trưởng cho biết giờ chúng ta xử lý việc này thế nào, bao giờ xử lý vì liên quan hàng nghìn tỷ đồng của ngân sách và nhân dân?

Bộ trưởng Thể khẳng định, về việc chỉ định thầu, chúng tôi làm đúng luật, cái gì cho phép, Bộ sẽ làm. Có những dự án chúng tôi sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ mới triển khai. Do đó xin báo cáo Quốc hội, việc làm này rất là công khai, minh bạch, các cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, xử lý các sai phạm.

Chính sách phí, giá còn bất cập

Báo cáo của Bộ Giao thông nhìn nhận, chính sách phí (nay là giá dịch vụ sử dụng đường bộ) còn bất cập. Giá dịch vụ sử dụng đường bộ chưa đảm bảo công bằng cho các phương tiện khu vực xung quanh trạm và một số phương tiện sử dụng các tuyến đường ngang đi qua trạm, sử dụng quãng đường ngắn.

Một số trạm trước đây thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn ngân sách nhà nước được tận dụng lại để chuyển sang thu hoàn vốn cho các dự án BOT, vị trí nằm ngoài phạm vi dự án gây bức xúc cho người sử dụng...

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, 3 trạm BOT nằm ngoài phạm vi dự án chủ yếu do lịch sử để lại và khi Bộ Giao thông tiếp nhận thì đã báo cáo Chính phủ, ví dụ như trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. Năm 2014, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện việc thu phí, do vậy Bộ thực hiện đúng theo chỉ đạo này.

Tương tự, một số dự án xây tuyến tránh và nâng cấp tuyến hiệu hữu là nhằm tạo đột phá kinh tế - xã hội cho địa phương, toàn bộ việc này theo Bộ trưởng "thực hiện theo đúng quy trình, các bộ ngành, địa phương có tham gia ý kiến".

Tư lệnh ngành giao thông cho hay, trong bối cảnh hiện nay ngân sách eo hẹp, Chính phủ khó bố trí được nguồn vốn lớn để mua lại toàn bộ dự án này. Khi Quốc hội biểu quyết có khả năng cân đối nguồn vốn thì chúng tôi sẵn sàng mua lại số dự án này.

Về trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ Giao thông đã giảm phí cho toàn bộ xe của người dân sinh sống trong vòng 10 km từ trạm BOT, đồng thời khẳng định, hoàn toàn không có thất thoát trong các dự án BOT.

Trả lời chất vấn đại biểu về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước giảm thu phí BOT hàng chục năm sau kiểm toán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc giảm thời gian này chủ yếu do giảm nguồn dự phòng phí chưa sử dụng.

Theo đó, giai đoạn 2010 - 2011 lãi suất ngân hàng cao nên khi lập dự án phải căn cứ theo lãi suất ngân hàng. Khi tình hình vĩ mô ổn định, lãi suất giảm, nên phần dự phòng này không sử dụng, dẫn tới giảm thời gian thu phí.

Giải quyết tranh chấp BOT vì lợi ích của người dân

Liên quan đến việc thu phí tại các trạm BOT, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nêu ý kiến, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đưa ra có 17 trạm thu phí BOT đặt sai vị trí, trong đó 3 dự án cao tốc dân không đi cũng phải trả tiền và 6 dự án người dân không đi đường tránh phải trả tiền.

Tuy nhiên, qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, theo đại biểu đoàn Phú Thọ, các vấn đề giải trình mới chỉ toát lên đó là "dân chịu thì thu, dân không chịu lại dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục, rồi lại thu."

Từ nội dung này, ông Hàm đặt câu hỏi "như thế đã vì lợi ích của dân chưa, vì sao dân không đi vẫn phải trả tiền và 17 dự án nêu trên chủ yếu chỉ định thầu?"

Đồng tình ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, phải tuân thủ nguyên tắc cung cầu, quyền người dân và nhà đầu tư phải bình đẳng, không thể do áp lực lại giảm giá, chuyển trạm.

"Bộ trưởng nói rằng, tiếp tục giảm giá, giảm cước và kéo dài thời dài thời gian thu phí, đây là tư duy không chấp nhận được," đại biểu đoàn Bình Dương băn khoăn?

Chưa đồng thuận với trả lời của Bộ trưởng, các ĐBQH Lý Tiết Hạnh, Lưu Bình Nhưỡng, Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tranh luận lại.

Bộ trưởng Giao thông vận tải trả lời chất vấn

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng tranh luận lại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông vận tải

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hiện có hai vấn đề về BOT giao thông là thể chế và quá trình triển khai có nhiều bất cập dẫn đến bức xúc của người dân; sự bức xúc này là do chưa giải quyết được hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.

Cho rằng “chúng ta còn ăn đong trong lĩnh vực này”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp căn cơ để giải quyết?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, thể chế vừa qua chưa hoàn chỉnh, nhất là pháp luật về đầu tư công. Với những tồn tại trong quá trình triển khai dự án BOT, Bộ GTVT đang tiếp thu, tìm giải pháp khắc phục triệt để. "Chúng tôi sẽ xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ GTVT quán triệt làm từ cái tâm để phục vụ người dân tốt nhất", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Với hiện trạng các tranh chấp do chưa hoàn thiện thể chế xảy ra tại một số trạm BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, khi có dư luận, Bộ sẽ phối hợp với địa phương tìm hiểu, giải quyết ngay theo hướng bảo đảm lợi ích của người dân.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, hiện đã có 14 dự án BOT làm trên đường hiện hữu bị dừng, trong đó dừng 4 dự án đã ký hợp đồng; sắp tới Bộ GTVT chỉ làm dự BOT trên tuyến đường mới, tạo đường song hành với tuyến cũ để người dân lựa chọn. 

Kiểm toán phát hiện sự chênh lệch lớn là điều hiển nhiên

Đề nghị Bộ trưởng làm rõ số năm thu phí giao thông giữa dự toán với kết quả kiểm toán; làm rõ thu phí BOT trên cơ sở mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1 sắp tới khắc phục thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đây là vấn đề cả xã hội quan tâm. Theo luật, giai đoạn vừa qua tổ chức đấu thầu BOT và ký hợp đồng BOT trên cơ sở dự án được duyệt,  trong đó có nhiều phần dự phòng như trợ giá, khối lượng và vấn đề phát sinh kinh phí, nên được duyệt bao gồm các khoản phát sinh nên có giá trị lớn. Căn cứ quy định, Bộ ký hợp đồng nhà đầu tư theo dự án được duyệt.

Để đảm bảo công khai minh bạch, Bộ chủ động kiến nghị kiểm toán cùng tiến hành kiểm toán trước khi bộ quyết toán. Với 56 trạm, kiểm toán tham gia 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.

Theo hợp đồng, để đảm bảo hài hoà lợi nhuận, Bộ đàm phán trong hợp đồng có điều khoản giá trị sau quyết toán là căn cứ bộ điều chỉnh thời gian thu phí và chính sách liên quan. Do đó, việc kiểm toán phát hiện sự chênh lệch lớn là điều hiển nhiên. Dự án triển khai nhanh, ít biến động giá thì chênh lệch số năm kiểm toán chỉ ra.

Số liệu kiểm toán và quyết toán luôn tương đồng với nhau, thậm chí quyết toán thấp hơn. Do đó, việc chỉ ra của kiểm toán là rất đúng và Bộ cũng làm đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Giao thông vận tải trả lời chất vấn "nóng" liên quan đến BOT