Sáng 24-7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về những vấn đề mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng đã giải đáp nhiều thắc mắc cụ thể của người dân
Quốc tịch
Trả lời nhiều câu hỏi về quốc tịch, nhập quốc tịch, giữ quốc tịch, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Theo quy định trong pháp luật Việt Nam về quốc tịch suốt từ năm 1945 đến nay, người không có quốc tịch thường trú ổn định, lâu dài tại Việt Nam được tạo điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, trở thành công dân Việt Nam, có các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.
Để giải quyết các trường hợp tồn đọng do lịch sử để lại, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã quy định hẳn 1 điều (Điều 22) về việc cho phép nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày 1-7-2009 và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
Thủ tục về việc nhập tịch rất đơn giản. Người nhập tịch không phải nộp lệ phí. Thời hạn nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản nêu trên sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2012.
Về trường hợp đã có quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói: Quốc hội đã thông qua Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, đã quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên, để được tiếp tục giữ quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật có hiệu lực, tức là cho đến ngày 30-6-2014. Sau thời hạn này mà không đăng ký sẽ bị đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam; nếu muốn có quốc tịch Việt Nam thì họ sẽ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Từ 1-7-2014, những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên mất quốc tịch. Nên bạn cần đăng ký nếu có nguyện vọng tha thiết như vậy.
Hộ tịch
Một phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc, đã có một con chung, cháu đã được đăng ký khai sinh tại Hàn Quốc. Do mâu thuẫn vợ chồng, họ đã ly hôn, con theo mẹ về Việt Nam hỏi: Vì Giấy khai sinh của cháu bằng tiếng Hàn Quốc nên gặp nhiều phiền phức trong làm các thủ tục hành chính ở Việt Nam. Nay tôi muốn đăng ký khai sinh cho con tại Việt Nam và có giấy đăng ký khai sinh bằng tiếng Việt thì có được không và phải làm thế nào?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời, vấn đề này trước 1-4-2006 thì không thực hiện được. Nhưng nay, theo Nghị định 158 năm 2005 của Chính phủ, có hiệu lực từ 1-4-2006, nếu cháu có quốc tịch Việt Nam và đã về Việt Nam thường trú, chị chỉ cần đem giấy khai sinh của cháu được cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cấp (phải được hợp pháp hoá lãnh sự và dịch ra Tiếng Việt) đến Sở Tư pháp nơi thường trú để ghi vào sổ việc đăng ký khai sinh vì cháu đã được đăng ký ở nước ngoài; chị không phải làm thủ tục đăng ký lại việc sinh cho cháu. Sau khi đã ghi vào sổ, Sở Tư pháp sẽ cấp cho cháu giấy khai sinh bằng tiếng Việt.
Công chứng, chứng thực
Một số câu hỏi phản ánh thủ tục chứng thực chữ ký cá nhân trong việc áp dung cơ chế hành chính một cửa, một cửa liên thông đang có nhiều vướng mắc, mâu thuẫn. Bộ trưởng nói: Trước hết, tôi cho là cơ chế một cửa, một cửa liên thông là một bước cải cách rất quan trọng, rất hiệu quả, tích cực. Tuy nhiên, qua công tác quản lý nhà nước và phản ánh của báo chí, Bộ Tư pháp đã nắm được cũng có một số vướng mắc về vấn đề này.
Khi áp dụng cơ chế này vào giải quyết một số loại việc cụ thể, trong đó có việc chứng thực chữ ký cũng có vướng mắc. Theo quy định của pháp luật về chứng thực thì người có yêu cầu chứng thực chữ ký phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trong khi đó những người có thẩm quyền thực hiện chứng thực (Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng hoặc Phó Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện) lại không thuộc diện phải trực ở bộ phận một cửa để trực tiếp chứng nhận chữ ký của người yêu cầu chứng nhận.
Do đó, có tình trạng mỗi địa phương làm một cách. Điều đó dẫn đến trong thực tế nhiều trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký trước mặt người thực hiện chứng thực (chứng thực gián tiếp). Như thế là không phù hợp với bản chất chứng thực, dễ tạo kẽ hở vi phạm pháp luật.
Vấn đề này đang được nghiên cứu tiếp để giải quyết trong dự án Luật Chứng thực tới đây.
Giải đáp thắc mắc về chứng thực, công chứng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích, hợp đồng về nhà đất có vai trò rất quan trọng, vì nhà đất là bất động sản có giá trị lớn, liên quan đến quyền có nhà ở của công dân, thường hay xảy ra tranh chấp, nên rất cần thiết phải được công chứng.
Công chứng khác với chứng thực, vì công chứng là chứng nhận tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, còn chứng thực chỉ thuần túy chứng nhận chữ ký trong hợp đồng, tức là thuần túy mang tính hình thức, nên không bảo đảm an toàn pháp lý như công chứng. Trong một thời gian dài, chúng ta không phân biệt hai hình thức này.
Do vậy, năm 2005 Quốc hội đã ban hành Luật Công chứng, tách hoạt động chứng thực khỏi công chứng và theo hướng dẫn của Chính phủ thì tiến tới phải chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng về nhà đất từ UBND cấp huyện, cấp xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng chuyên nghiệp thực hiện.
Tuy nhiên, do tổ chức hành nghề công chứng chưa phát triển khắp cả nước (hiện nay có 550 văn phòng công chứng và phòng công chứng, nơi rất nhiều, nơi không có) nên trong giai đoạn quá độ, việc chuyển giao cần được thực hiện có lộ trình và chỉ được thực hiện tại những địa bàn cấp huyện đã thành lập được tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện đảm đương hoạt động, để đảm bảo cho các bên ký kết hợp đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, Chủ tịch nước đã giải quyết cho 3.170 trường hợp được nhập quốc tịch theo thủ tục này, trong đó chủ yếu là đồng bào cư trú dọc biên giới. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã nhận được gần 4.000 hồ sơ, đã trình Chủ tịch nước xem xét giải quyết 3.440 trường hợp; đang xem xét để trình Chủ tịch nước 152 trường hợp. |
Trần Đức