Áp lực mua sắm ngày 30 Tết tăng cao, giá cả có xu hướng tăng so với ngày thường nhưng không có biến động bất thường. Dự kiến giá cả các loại hàng hóa (nếu có) ngày mùng 1 Tết sẽ ít biến động so với ngày 30 Tết.
Báo cáo tổng hợp tình hình giá cả thị trường trước Tết Mậu Tuất 2018 từ ngày 14/2- 15/2/2018 (tức ngày 29/12- 30/12 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018) do Bộ Tài chính công bố cho thấy, do người dân được nghỉ Tết dài ngày nên nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Tết được dàn trải ra nhiều ngày, tăng cao vào ngày 23 tháng Chạp (Tết Ông Công ông Táo) và kéo dài đến 30 Tết.
Tuy nhiên, áp lực sức mua sắm ngày 30 Tết vẫn tăng cao ở các địa phương. Mặc dù, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân nhưng giá cả vẫn có xu hướng tăng so với ngày thường và tăng nhẹ so với ngày 29 Tết nhưng không có biến động bất thường.
Ảnh minh họa
Theo Bộ Tài chính, do người lao động nghỉ dài ngày nên nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Tết được dàn trải ra nhiều ngày, tăng cao vào ngày 23 tháng Chạp (Tết Ông Công ông Táo) và kéo dài đến 30 Tết. Các mặt hàng công nghệ phẩm, thực phẩm chế biến, quà bánh, quần áo mới... đã được người tiêu dùng mua sắm từ trước. Vì vậy, ngày 30 Tết, tại các Thành phố lớn, hầu như người dân đều đã về quê để đón Tết, nhưng nhìn chung sức mua vẫn tăng mạnh so với ngày 29 Tết và lượt khách đến chợ tập trung vào buổi sáng.
Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và các thành phố lớn hoạt động mua sắm số động chủ yếu là hoa cảnh (đào, quất), cây cảnh, rau củ quả, thực phẩm tươi sống; tập trung ở siêu thị và chợ truyền thống.
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn lượng hàng hoá dồi dào, sức mua tăng 30-35% so ngày thường nhưng giá cả ổn định.
"Do ngày 16/2/2018 là ngày mùng 1 Tết, vì vậy hầu hết các siêu thị đều không mở cửa, thường chỉ có một số sạp hàng tại chợ dân sinh hoặc một vài cửa hàng mở bán lấy may. Người dân chủ yếu đi thăm hỏi chúc Tết và đi lễ chùa đầu năm. Vì vậy, giá cả các loại hàng hóa (nếu có) sẽ ít biến động so với ngày 30 Tết", Bộ Tài chính nhận định.