Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tới đây cần thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho cả người thực hiện và người thiết kế chính sách.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 15/2, các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ các nội dung gồm: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Phát biểu tại tổ 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ, từ đó sửa cơ chế, chính sách cho phù hợp. Theo Thủ tướng, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay là rất cần thiết, cấp bách, chính vì vậy Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 57.
Tới đây, Chính phủ sẽ thảo luận, cho ý kiến để sửa đổi toàn diện các luật liên quan, bổ sung nhiều nội dung cụ thể để tạo sự đổi mới toàn diện. Bao gồm như Luật Ngân sách, Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học, công nghệ và một số luật khác có liên quan. "Một số luật có thể trình tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 này".
Trong đó, sẽ bổ sung thêm các cơ chế đặc biệt, tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ đó, huy động nguồn lực hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, xã hội và người dân để phát triển hạ tầng. Về cơ chế quản lý, sẽ bổ sung cơ chế lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư và sử dụng công. Ví dụ, Nhà nước đầu tư công cho hạ tầng khoa học công nghệ nhưng giao cho tư nhân quản lý; hoặc lãnh đạo công là thiết kế chính sách, pháp luật, công cụ giám sát kiểm tra nhưng quản trị sẽ giao cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là cơ chế đặc biệt cho nhà khoa học, công trình khoa học. Gồm các thủ tục, phân cấp phân quyền tới các chủ thể liên quan, xóa cơ chế xin cho, giảm thủ tục hành chính, quản lý hiệu quả tổng thể.
Đặc biệt, về miễn trừ trách nhiệm với người thực hiện, Thủ tướng đánh giá là vấn đề khó, là khâu yếu. Bởi nếu không có cơ chế bảo vệ người thực hiện lại sợ trách nhiệm, "đẩy chỗ này chuyển chỗ khác", không muốn làm vì không được bảo vệ. Vì vậy, ông cho rằng tới đây cần thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho cả người thực hiện và người thiết kế chính sách.
Đối với cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực, sẽ có cơ chế để thu hút người làm ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nguồn nhân lực nước ngoài. Các chính sách sẽ gồm thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, đất đai, visa và hợp đồng lao động.
Thủ tướng cũng lưu ý, cần chấp nhận rủi ro, có độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Bởi có những đột phá có thể tạo thành công, nhưng cũng có những thất bại phải chấp nhận trả giá. Vì vậy, cần xem đó là học phí, đầu tư đào tạo cho nguồn lực để có chính sách phù hợp. Tuy vậy, cần loại trừ động cơ cá nhân, không vụ lợi mà phải vô tư, trong sáng, vì lợi ích chung của đất nước.