Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu giải pháp nhằm thu hút học sinh giỏi vào sư phạm, đảm bảo giáo viên phải là người giỏi nhất, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Sáng 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên mần non phổ thông. 14 đại biểu đặt câu hỏi, một đại biểu trao đổi thêm về các vấn đề, trong đó nhiều người quan tâm đến chất lượng sinh viên sư phạm và đội ngũ nhà giáo.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) đánh giá Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và giải quyết bài toán đào tạo gắn với cung cầu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều học sinh giỏi chưa đăng ký vào sư phạm, nhiều địa phương cũng chưa đặt hàng giáo viên.
"Sinh viên sư phạm ra trường nhiều năm chưa có làm việc làm, biên chế giao cho ngành giáo dục chưa linh hoạt. Nhiều địa phương thiếu nhưng chưa thể điều tiết và tuyển dụng mới vì phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể", bà Dao nói, đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trên.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cũng đề nghị cho biết "các chính sách thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm?".
Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, để thực hiện Nghị định 116 hiệu quả, vai trò của các địa phương trong khảo sát, đánh giá nhu cầu của từng cơ sở giáo dục là rất quan trọng. Theo ông Sơn, địa phương còn dè dặt trong đặt hàng sinh viên sư phạm vì lo ngại các em ra trường không sắp xếp được việc do phải thực hiện nghị định 115 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Vì vậy, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đồng bộ hóa các văn bản quy phạm pháp luật để việc thực thi được hiệu quả.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục thông tin, Nghị định 116 đã được thực hiện từ 2021. Các chính sách gồm sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, hỗ trợ 3,63 triệu đồng mỗi tháng để chi trả phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường... bước đầu thu hút được nhiều học sinh giỏi vào sư phạm, đảm bảo cả số lượng và chất lượng đầu vào.
Sắp tới Bộ sẽ nghiên cứu thêm các chính sách thu hút học sinh giỏi vào sư phạm.
"Hiện nay chúng tôi đã ưu tiên học sinh chuyên, học sinh đoạt giải học sinh giỏi vào trường sư phạm. Hệ thống chính sách thu hút sẽ được tăng cường trong thời gian tới", ông Sơn nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết Ủy ban thống nhất với Bộ Giáo dục, giáo viên phải là những người giỏi nhất. Cơ chế tuyển dụng hiện nay đang hướng tới mục tiêu này, tuy nhiên kết quả đạt được cần phải đánh giá thêm.
"Tôi đề nghị Bộ Giáo dục cùng các bộ ngành hoàn thiện chính sách thu hút người giỏi, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng để chọn được người giỏi vào ngành", ông Vinh nói.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị Bộ Giáo dục giải trình về tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) dẫn số liệu báo cáo thừa cục bộ gần 10.200 giáo viên và thiếu trên 94.700 giáo viên. Ông nêu giả sử, nếu có thể sắp xếp được số giáo viên thừa thì vẫn còn thiếu khoảng 84.000. "Vậy giải pháp nào để bổ sung được hơn 84.000 giáo viên này trong khi vẫn phải thực hiện Nghị quyết về tinh giảm biên chế?", đại biểu Nghĩa băn khoăn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc thực thi các giải pháp tổng thể, bền vững đảm bảo không thừa, thiếu giáo viên "không chỉ phụ thuộc ngành Giáo dục mà còn liên quan các chính sách quốc gia, phương diện tài chính và giải pháp của địa phương". Theo ông, hiện nay ngành đang thiếu giáo viên nhưng vẫn phải giảm 10% biên chế theo lộ trình của Chính phủ. Học sinh tăng cơ giới gần nửa triệu người mỗi năm, trong khi đó mấy năm mới có một đợt tuyển giáo viên.
"Vừa rồi, hai bộ Giáo dục và Nội vụ đã kiến nghị Chính phủ tăng 27.850 biên chế giáo viên mầm non nhưng các thủ tục chưa có", ông Sơn nói.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị việc giảm biên chế không thực hiện theo kiểu cào bằng, cơ học mà tùy tình hình, đặc điểm từng địa phương và việc quản lý công chức, viên chức. Bà ví dụ, Thái Nguyên đề nghị giảm số người hưởng lương viên chức Nhà nước 20%; có bộ ngành đề nghị giảm 50% vì họ tự chủ được. Vì vậy, mục tiêu không phải cắt biên chế mà là giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Bà Trà đề nghị Bộ Giáo dục sớm hoàn thiện chiến lược về giáo dục mầm non, phổ thông, rà soát lại quy mô mạng lưới trường lớp theo hướng tinh gọn đầu mối, rà soát định mức học sinh, định mức giáo viên phù hợp từng vùng, miền...
"Quan điểm của Bộ Nội vụ là đồng tình với chủ trương ban hành Luật Nhà giáo để có hành lang pháp lý đầy đủ, quản lý đội ngũ nhà giáo phù hợp với yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục đào tạo", bà Trà nhấn mạnh.