Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã 62 huyện nghèo của 20 tỉnh (Dự án 600) trong cả nước sắp kết thúc. Liên quan dự án này, PV đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Đăng Minh – Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Dự án.
PV: Xin ông có thể cho biết thông tin về tình hình Dự án 600 đến thời điểm hiện nay?
Ông Vũ Đăng Minh: Có thể nói rằng, đến nay có 95,5% trong số cán bộ này được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 31,3% được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều em đã trưởng thành lên các vị trí công tác cao. Hiện đã có hơn người được làm công tác trên huyện, có người đã được bổ nhiệm Trưởng phòng cấp huyện và có khoảng 50 người được đảm nhiệm vị trí Chủ tịch UBND xã, nhiều người sang làm Phó Chủ tịch xã theo biên chế của nghị định 92 và một số làm việc tại các cơ quan chuyên môn của Đảng, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương và một số công việc khác theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức.
Khi về xã làm việc, các đoàn viên của dự án đã tích cực tham mưu cho UBND xã trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong đó nhiều bạn đề xuất được các mô hình phát triển KT-XH mang lại hiệu quả kinh tế cao được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Ông Vũ Đăng Minh – Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ)
Như em Giàng Seo Châu (xã Màn Thẩn, huyện Si Ma Cai, Lào Cai) đã áp dụng mô hình trồng cây trong nhà kính đối với cây tam thất cho 5 ha, mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện, Sở KHCN và các cơ quan chuyên môn cũng đang nhân rộng quy trình trồng và ươm cây trong nhà kính này tại địa phương.
Hay em Phạm Văn Điều (PCT xã La Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) thực hiện dự án trồng cây dược liệu. Trước đây đồng bào người Mông chỉ trồng ngô, mỗi năm được cao nhất khoảng 7 triệu đồng/ha nhưng với cây dược liệu (atiso) có thể đem về cho bà con khoảng 120 triệu đồng/ha. Nhiều gia đình có thu nhập trung bình từ 90 triệu đồng/năm.
PV: Vậy dự án này có được tiếp tục sau khi kết thúc hay không thưa ông?
Ông Vũ Đăng Minh: Hiện nay, chúng tôi đang hướng dẫn các địa phương tổng kết dự án và Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ tổ chức tổng kết dự án vào tháng 8 hoặc tháng 9/2017. Trên cơ sở tổng kết của 20 tỉnh/thành để đánh giá toàn bộ dự án để tiếp tục có những đề xuất, phương hướng tiếp theo.
Chính phủ cũng đã giao Bộ Nội vụ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để hỗ trợ các đoàn viên trong dự án 600 cán bộ để phát triển cao hơn về công việc hoặc trong các dự án phát triển kinh tế để họ tham mưu cho chính quyền tiếp tục phát triển KT-XH. 5 năm tham gia dự án là kinh nghiệm thực tiễn cộng với những kiến thức mới về khoa học công nghệ được bồi dưỡng, các đội viên sẽ phát huy được năng lực của mình.
Nhiều Bí thư, Chủ tịch xã cũng đã từng chia sẻ “nếu kết thúc dự án mà các em ấy (các đội viên dự án – PV) rút thì tiếc lắm. Chúng tôi chỉ mong các em ở lại một thời gian nữa, ít nhất là 2-3 năm nữa để tiếp tục giúp địa phương và có thể cũng có cơ hội thể hiện năng lực cho đóng góp sự phát triển KT-XH của địa phương.
PV: Vậy những bạn không hoàn thành nhiệm vụ sẽ giải quyết như thế nào?
Ông Vũ Đăng Minh: Số không hoàn thành nhiệm vụ không nhiều, chủ yếu do không đủ năng lực lãnh đạo, quản lý nhưng vẫn có thể làm chuyên môn tốt với vai trò một công chức. Nghĩa là vẫn có cơ hội để các bạn này tiếp tục công tác tại địa phương nếu có nhu cầu.
PV: Việc bố trí cán bộ địa phương sau khi dự án kết thúc sẽ liên quan đến biên chế, vậy sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Đăng Minh: Ngày 29/4/2016, Bộ Chính trị đã có kết luận và thông báo về các giải pháp biên chế để bố trí công việc cho các đội viên của dự án: nếu các địa phương còn biên chế thì bố trí; hoặc tinh giản biên chế theo nguyên tắc “ra 2 vào 1” thì ưu tiên các đội viên dự án; nếu 2 giải pháp trên không thực hiện được thì các địa phương phải có phương án bố trí cụ thể (vị trí nào, làm việc gì) trong bộ máy, gửi Bộ Nội vụ để báo cáo xin bổ sung biên chế cho các huyện làm cơ sở để bố trí công việc cho các đội viên dự án.
PV: Được biết, hiện nay Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về tham gia phát triển kinh tế miền núi sẽ được triển khai sau Dự án 600 kết thúc, có đúng vậy không thưa ông?
Ông Vũ Đăng Minh: Sau khi sơ kết Dự án 600 thì Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ tiếp tục triển khai mô hình này nên Đề án 500 trí thực trẻ tình nguyện về tham gia phát triển kinh tế miền núi (đến năm 2020). Địa bàn của Đề án 500 rộng, ở 34 tỉnh (địa bàn của Dự án 600 chỉ là 20 tỉnh), không chỉ ở các huyện nghèo mà gồm cả các huyện có xã bãi ngang, ven biển, hải đảo, còn khó khăn, ngoài các huyện nghèo triển khai Dự án 600.
Các đội viên Đề án 500 được tuyển chọn cho 5 vị trí công chức cấp xã (tài chính kế toán, thống kê, tài nguyên môi trường, tư pháp hộ tịch, văn hóa xã hội), làm chuyên môn nên tuyển đúng chuyên ngành theo tiêu chuẩn tại Thông tư 06 (trong khi Dự án 600 là làm lãnh đạo, quản lý).
PV: Bộ Nội vụ đang có ý tưởng đề xuất cơ chế yêu cầu trí thức trẻ về công tác tại cơ sở trước khi được tuyển dụng tại Trung ương, có đúng như vậy không?
Ông Vũ Đăng Minh: Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhưng cần cơ chế để “có chỗ trống cho người ta vào” chứ đưa về mà không có chức danh sẽ không làm được việc? Vì vậy có thể phải sửa luật (Luật Chính quyền địa phương hoặc Luật Cán bộ, công chức) mới giải quyết được vấn đề này.
Hiện nhiều địa phương đã học tập mô hình này, đưa cán bộ về xã công tác làm Phó Chủ tịch trước khi rút về để rèn luyện. Như vậy, nếu sinh viên mới ra trường hoặc công chức sau khi được tuyển dụng có ít nhất 3 năm công tác tại địa phương (từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh) thì sẽ có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Sau đó có thể luân chuyển giữa các Bộ, các đơn vị trong cơ quan thì sẽ có một công chức độc lập, chủ động tham mưu, đề xuất chứ không phải “cầm tay chỉ việc”. Nếu được như vậy thì rất tốt.
Chúng tôi cũng đã có ý tưởng sau khi tổng kết Dự án và Đề án trên thì sẽ lập Đề án mới đề xuất về cơ chế như vậy.
Xin cảm ơn ông!