Thể chế hóa chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung trường hợp bắt buộc mời người bào chữa cho bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mà khung hình phạt có mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân
BLTTHS 2015 bổ sung quy định về thủ tục mời, cử người bào chữa: Theo quy định của BLTTHS năm 2003 và văn bản hướng dẫn thi hành, thủ tục mời, cử người bào chữa chưa được quy định chặt chẽ, trong đó, không quy định việc người thân thích của người bị buộc tội có quyền mời người bào chữa. Cho nên, trong nhiều trường hợp, khi người thân thích của người bị buộc tội mời người bào chữa thì phải có ý kiến xác nhận của người bị buộc tội có chấp nhận việc này hay không. Tuy nhiên, khi chưa cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì người bào chữa, người thân thích của người bị buộc tội không thể tiếp xúc với người bị buộc tội xem họ có chấp nhận việc người thân thích của họ mời người bào chữa hay không.
BLTTHS 2015 sửa đổi, bổ sung các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa
Vì vậy, thủ tục này phải qua cơ sở tạm giữ, tạm giam người bị buộc tội, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang giữ hồ sơ vụ án. Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa phụ thuộc vào nhiều cơ quan khác nhau.
Để bảo đảm quyền của người bị buộc tội, nhất là người bị buộc tội đang bị bắt, tạm giữ, tạm giam, Điều 75 BLTTHS năm 2015 quy định về lựa chọn người bào chữa. So với quy định của BLTTHS năm 2003 và văn bản hướng dẫn, BLTTHS năm 2015 đã nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng sau: Bổ sung người thân thích của người bị buộc tội có quyền mời người bào chữa; quy định rõ thời hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý người bị buộc tội khi tiếp nhận được yêu cầu nhờ người bào chữa từ người buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ trong việc chuyển yêu cầu này đến người bào chữa và tạo điều kiện cho người bào chữa liên hệ với người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ trong việc thỏa thuận nhờ bào chữa…
BLTTHS 2015 sửa đổi, bổ sung các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa: Theo khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003, khi bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mà khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình hoặc bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì nếu họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử người bào chữa cho họ.
Thể chế hóa chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Điều 76 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung trường hợp bắt buộc mời người bào chữa cho bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mà khung hình phạt có mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung việc bắt buộc mời người bào chữa cho “người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất” theo hướng họ chỉ được chỉ định người bào chữa khi nhược điểm về thể chất đó làm cho người bị buộc tội không thể tự mình thực hiện được quyền bào chữa.
Theo đó, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội gồm: Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
BLTTHS 2015 bổ sung những trường hợp không được làm người bào chữa. BLTTHS năm 2003 chỉ quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa khi có người bào chữa tham gia tố tụng mà không quy định về các trường hợp không cho phép cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Theo khoản 4 Điều 27 Luật Luật sư năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012, luật sư chỉ bị từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư; luật sư là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó; luật sư đã tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch; luật sư là người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
Trong thực tiễn, khi người bào chữa là luật sư rơi vào một trong các trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Luật sư thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sự.
Để phù hợp với Luật Luật sư và thực tiễn giải quyết vụ án thời gian qua, BLTTHS năm 2015 bổ sung những đối tượng không được làm người bào chữa. Theo khoản 4 Điều 72 BLTTHS năm 2015, những người không được bào chữa bao gồm: Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó; người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
BLTTHS 2015 sửa đổi, bổ sung thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng. Theo khoản 1 Điều 58 BLTTHS năm 2003, người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Quy định này được lồng chung với quy định về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa.
Với việc quy định người bị bắt có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa theo Hiến pháp năm 2013, BLTTHS năm 2015 đã quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn, kể từ khi có người bị bắt. Theo đó, Điều 74 BLTTHS năm 2015 quy định, người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.