BLTTHS năm 2015 có một số quy định liên quan đến việc thu thập chứng cứ của người bào chữa.
Cụ thể: Được thu thập, đưa ra chứng cứ (Điểm h khoản 1 Điều 73); Có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa (khoản 2 Điều 88).
Ngoài ra, theo quy định tại điểm c, điểm đ khoản 2 Điều 260 BLTTHS năm 2015, nội dung của Bản án sơ thẩm phải ghi rõ: Ý kiến của người bào chữa và phân tích lý do mà Hội đồng xét xử không chấp nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đưa ra.
Một phiên tòa hình sự
Thực tiễn áp dụng quy định của BLTTHS năm 2003 về thu thập, cung cấp chứng cứ của người bào chữa cho thấy: Điều 58 BLTTHS năm 2003 cho phép luật sư được quyền thu thập, đưa ra tài liệu, đồ vật để chứng minh yêu cầu, nhưng lại thiếu cơ chế bảo đảm các quyền đó được “thực thi” triệt để, được tôn trọng đúng mực, cũng như chưa có quy định rõ bắt buộc cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm xem xét, đánh giá, kết luận có chấp nhận đề nghị của người bào chữa dựa trên các chứng cứ được thu thập bảo đảm tính khách quan, liên quan và hợp pháp của chứng cứ. Mặt khác, Điều 64 và Điều 65 BLTTHS năm 2003, quy định đồ vật, tài liệu chỉ được xem là chứng cứ khi được cơ quan tố tụng thu thập theo trình tự, thủ tục luật định. Chính vì vậy, vô hình trung tài liệu, đồ vật, chứng cứ mà người bào chữa cung cấp, một khi chưa được Tòa án chấp nhận thì chưa phải là chứng cứ. Khắc phục hạn chế này, BLTTHS năm 2015 đã quy định bổ sung tại điểm c, điểm đ khoản 2 Điều 260, như trên đã nêu.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 BLTTHS năm 2015:“Trường hợp không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì người bào chữa có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập”. Đây là quy định mang tính tiến bộ và có ý nghĩa rất tích cực nhằm tạo điều kiện tối đa để người bào chữa thực hiện tốt quyền thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, cũng cần quy định chế tài rõ ràng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, cố ý không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của người bào chữa mà không có lý do chính đáng trừ trường hợp chứng cứ tài liệu đó thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc thuộc trường hợp pháp luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải cung cấp.
Cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh tội phạm nếu không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh tội phạm một cách khách quan và toàn diện. Do vậy, quá trình thu thập chứng cứ trong điều tra vụ án hình sự là rất quan trọng đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì vậy mà Điều 85 BLTTHS năm 2015, quy định khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh: “Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội; Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; Nguyên nhân và điều kiện phạm tội; Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.”
Mục đích của người bào chữa đưa ra chứng cứ khác với các cơ quan và người tiến hành tố tụng, bởi vì người bào chữa trước hết là người bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, sau nữa còn góp phần làm sáng tỏ những tình tiết khách quan của vụ án. Thông thường những chứng cứ mà người bào chữa thu thập thường mang giá trị “gỡ tội” đúng với vai trò, chức năng và nhiệm vụ của người bào chữa như vậy mới có giá trị phản biện và làm đối trọng (một phần hoặc toàn bộ) chứng cứ “buộc tội” của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để bào chữa có hiệu quả, người bào chữa sẽ có những kiến nghị cơ quan tiến hành tố tụng ra các quyết định khác nhau như điều tra bổ sung, điều tra lại, đình chỉ điều tra, rút quyết định truy tố, thay đổi tội danh nhẹ hơn, áp dụng hình phạt nhẹ hơn so với đề nghị nêu trong bản luận tội của Viện kiểm sát để Hội đồng xét xử cân nhắc khi định tội danh, quyết định hình phạt cho bị cáo.
Việc đánh giá chứng cứ có vai trò rất quan trọng và có ý nghĩa pháp lý rất lớn đối với việc lựa chọn các chứng cứ đưa vào sử dụng làm căn cứ buộc tội hay bác bỏ sự buộc tội trong quá trình tố tụng. Đây là một khâu của quá trình chứng minh vụ án hình sự, trong đó những người tiến hành tố tụng và người bào chữa thực hiện việc xác định giá trị của các tài liệu, vật chứng đã thu thập được nhằm chứng minh những vấn đề cần thiết trong vụ án cụ thể. Đánh giá chứng cứ là quá trình hoạt động phân tích của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm xác định giá trị chứng minh của chứng cứ đối với những vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án hình sự.
Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội người bào chữa sẽ cùng với thân chủ của mình trở thành một bên trong tố tụng; người bào chữa phải sử dụng tổng hợp những kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức chuyên môn của mình trong đó có kiến thức về chứng cứ và đánh giá chứng cứ nhằm bác lại những quan điểm đối lập, bảo vệ quan điểm của mình. Chính vì vậy, có thể nói, người bào chữa có vai trò rất quan trọng cùng với những người tiến hành tố tụng khác trong việc đánh giá chứng cứ để tìm ra sự thật khách quan của vụ án hình sự.
Như vậy, chứng cứ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giải quyết vụ án. Việc thu thập chứng cứ đòi hỏi người bào chữa phải có những kỹ năng nhất định, nằm rõ phương pháp thu thập chứng cứ để có thể bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi ích hợp pháp của thân chủ mình khi tham gia tố tụng.