Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Quy định mới về người tham gia tố tụng

Nam Phương| 30/06/2016 15:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. Một trong những nội dung mới bổ sung quan trọng là quy định liên quan đến người tham gia tố tụng.

Mở rộng đối tượng tham gia tố tụng

BLTTHS năm 2003 quy định những người tham gia tố tụng gồm: Người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người làm chứng; người bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự; người giám định; người phiên dịch.

Để đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án hình sự trong tình hình mới, BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm 9 đối tượng người tham gia tố tụng, gồm: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người chứng kiến; Người định giá tài sản; Người dịch thuật; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội. Bộ luật cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của những đối tượng này khi tham gia tố tụng.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Quy định mới về người tham gia tố tụng

Người phiên dịch tham gia tố tụng trong một phiên tòa

Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 còn giải thích rõ một số thuật ngữ liên quan đến người tham gia tố tụng; bổ sung khái niệm một số tư cách tham gia tố tụng hoặc sửa đổi, bổ sung một số khái niệm tư cách tham gia tố tụng đã được quy định trong BLTTHS năm 2003 cho phù hợp với quy định mới để có sự áp dụng thống nhất. Cụ thể: khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 giải thích rõ một số thuật ngữ liên quan đến người tham gia tố tụng như người bị buộc tội, đương sự. Theo đó, “người tham gia tố tụng” là cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS năm 2015; “người bị buộc tội” gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; “đương sự” gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

Sửa đổi, bổ sung một số khái niệm tư cách tham gia tố tụng đã được quy định trong BLTTHS năm 2003 cho phù hợp với quy định mới. Theo đó, “bị can” là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự; “bị cáo” là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử; “bị hại” là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra; “người làm chứng” là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng; “người giám định” là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.

 Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì trong giai đoạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm chưa phát sinh tư cách người làm chứng. BLTTHS năm 2015 quy định thời điểm người làm chứng tham gia tố tụng sớm hơn, kể từ khi cơ quan có thẩm quyền xác minh các nguồn tin về tội phạm và xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập phải tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.

 Bổ sung quyền của người tham gia tố tụng

Để bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, BLTTHS năm 2015 bổ sung cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo một số quyền như: Được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến mình; Đưa ra chứng cứ; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;  Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật;  Bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định của Bộ luật này khi có yêu cầu; Bị cáo có quyền trực tiếp hỏi những người tham gia tố tụng nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý và một số quyền khác. Đồng thời quy định rõ hơn về nghĩa vụ của người bị buộc tội phải chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền; Xác định đầy đủ tư cách của bị hại và bổ sung một số quyền của họ.

Nếu như BLTTHS năm 2003 quy định người bị hại chỉ là cá nhân thì BLTTHS năm 2015 quy định diện người bị hại không chỉ gồm cá nhân bị thiệt hại mà còn bao gồm tổ chức bị thiệt hại. Nhằm đảm bảo cho bị hại bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, BLTTHS năm 2015 bổ sung cho bị hại và người đại diện theo pháp luật của họ các quyền: Được cơ quan tố tụng thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của họ; Đưa ra chứng cứ; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá, người dịch thuật; Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người tham gia phiên tòa và một số quyền khác.

BLTTHS năm 2015 cũng quy định rõ hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của người bị hại để tăng cường trách nhiệm của họ trong việc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tố tụng phát hiện, xử lý tội phạm:  Nghĩa vụ chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền;  Trường hợp cố ý vắng mặt hoặc có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.

BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Để bảo đảm cho những chủ thể này bảo vệ tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng, phù hợp với Luật Giám định tư pháp, BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền của các đối tượng này như: Quyền đưa ra chứng cứ; Quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;  Yêu cầu giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; Quyền được thông báo kết quả giải quyết vụ án; Quyền đề nghị chủ tọa hỏi những người tham gia phiên tòa; Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình và một số quyền khác.

BLTTHS năm 2015 quy định rõ hơn nghĩa vụ của những chủ thể này phải chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền nhằm tăng cường trách nhiệm của họ trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Quy định mới về người tham gia tố tụng