Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Tăng quyền cho bị can, bị cáo, người bào chữa

Nam Phương| 19/03/2016 10:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, BLTTHS 2015 đã chú trọng tăng quyền cho bị can, bị cáo, người bào chữa.

Cụ thể, bị can, bị cáo có một số quyền im lặng, quyền đưa ra chứng cứ, tiếp cận đọc, ghi chép bản sao hồ sơ vụ án… để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt, một số quyền năng quan trọng phục vụ cho việc tranh tụng như quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ cũng đã được trao cho người bào chữa. Bên cạnh đó, bộ luật cũng đã trao cho Thẩm phán, Tòa án một số quyền năng trước đây chỉ dành cho cơ quan điều tra như quyền thu thập chứng cứ, trưng cầu giám định, định giá, thực nghiệm điều tra... nhằm bảo đảm sự độc lập, không lệ thuộc vào chứng cứ do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cung cấp. Bộ luật cũng quy định chi tiết về thủ tục tranh tụng trong xét xử, giúp vai trò trung tâm của Tòa án được nâng lên, đồng thời là công cụ giúp HĐXX điều hành phiên tranh tụng giữa bên buộc tội và gỡ tội đi vào thực chất.

BLTTHS 2015 quy định, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Tăng quyền cho bị can, bị cáo, người bào chữa

BLTTHS 2015 đã tăng quyền cho người bào chữa

Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do bộ luật này quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước tòa án.

Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của BLHS để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.

Bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Có ý kiến cho rằng trong thực tiễn hoạt động tranh tụng không phải đợi cho đến khi xét xử mới xuất hiện, mới cần quan tâm. Nhiều vụ án, hoạt động tranh tụng giữa bị can, bị cáo, bên gỡ tội với bên buộc tội xuất hiện ngay khi khởi tố, điều tra, truy tố. Ở giai đoạn này, bên gỡ tội đã có thể đưa ra quan điểm, luận cứ gỡ tội tới cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Ở chiều ngược lại, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thể phản bác nhưng cũng không ít vụ, các cơ quan này đã chấp nhận quan điểm của bên gỡ tội và đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ giải quyết vụ án. Đặc biệt so với trước đây, khi quyền hạn của bị can, người bào chữa theo bộ luật mới đã được nâng lên tương đối bình đẳng so với bên buộc tội thì hoạt động tranh tụng trong giai đoạn tiền xét xử sẽ còn sôi động hơn nữa.

Một vấn đề khác là quyền đọc, ghi chép bản sao hồ sơ vụ án của bị can, bị cáo được quy định trong BLTTHS 2015 là quy định thiết thực, phù hợp. Tuy nhiên cần phải quy định cụ thể trình tự, thủ tục đọc, nghiên cứu hồ sơ ngay trong bộ luật thì sẽ thuận lợi hơn cho bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Tăng quyền cho bị can, bị cáo, người bào chữa