Bộ luật tố tụng hình sự 2015: Bổ sung một số quyền của người bị buộc tội

Nam Phương| 13/02/2018 08:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLTTHS năm 2015 đã có nhiều thay đổi căn bản, quy định đầy đủ, toàn điện hơn các nội dung liên quan đến chế định bào chữa nói chung, quyền bào chữa của người bị buộc tội nói riêng.

BLTTHS năm 2015 đã có nhiều thay đổi căn bản, quy định đầy đủ, toàn điện hơn các nội dung liên quan đến chế định bào chữa nói chung, quyền bào chữa của người bị buộc tội nói riêng.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015: Bổ sung một số quyền của người bị buộc tội

BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền của người bị buộc tội

Theo quy định tại Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự. Tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 11 ngày 4/7/2013 của Liên bộ Tư pháp – Tài chính – Công an – Quốc phòng – TANDTC- VKSNDTC cũng quy định người tham gia trợ giúp pháp lý được cấp giấy chứng nhận để tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 56 BLTTHS năm 2003 chỉ quy định người bào chữa gồm: Luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân. Như vậy, theo các quy định trên thì trợ giúp viên pháp lý chỉ được tham gia tố tụng để bào chữa với tư cách là người đại diện hợp pháp của người tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những quy đinh này dẫn đến việc tổ chức triển khai trợ giúp pháp lý gặp nhiều khó khăn.

Khắc phục những hạn chế trên, khoản 2 Điều 72 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa: “Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.” Quy định mở rộng diện người bào chữa không chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội mà còn phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn hiện nay, khi đa phần Trợ giúp viên pháp lý đều không có thẻ luật sư nên khó khăn trong việc tiếp cận và bảo vệ quyền lợi của người bị buộc tội.

BLTTHS 2015 đã mở rộng các trường hợp bắt buộc cơ quan tố tụng chỉ định bào chữa. Sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong tố tụng hình sự là quy định mang tính nhân đạo của luật tố tụng hình sự nước ta. Theo đó, trong một số trường hợp đặc thù, do tính chất và hậu quả của tội phạm, hoặc do hạn chế về năng lực nhận thức, năng lực hành vi, dù bị can, bị cáo không mời người bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải chỉ định người bào chữa để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Ngoài các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa là bị can, bị cáo phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình; bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần thì BLTTHS năm 2015 còn mở rộng thêm người có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân cũng thuộc diện bắt buộc phải có người bào chữa. Vì đây là những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả pháp lý rất lớn. Do đó, mở rộng diện người thuộc trường hợp chỉ định bào chữa như trên không chỉ có ý nghĩa nhân đạo mà còn có ý nghĩa to lớn trong nỗ lực bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự.

BLTTHS 2015 quy định bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa. Điểm i khoản 2 Điều 60 BLTTHS năm 2015 quy định, bị can có quyền “i) Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu”. Đây là điểm mới quan trọng trong nỗ lực bảm đảm quyền cơ bản của bị can, bị cáo.

Phạm vi tài liệu bị can được đọc là các tài liệu có liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội, ví dụ như lời khai, bản cung, biên bản định giá để xác định giá trị tài sản trong trường hợp bị can bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản; lời khai, bản cung, kết luận giám định thương tích trong trường hợp bị can bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích…Thời điểm được đọc tài liệu là kể từ sau khi kết thúc điều tra. Để được đọc tài liệu, bị can phải thể hiện yêu cầu của mình. Phương pháp, cách thức để đọc tài liệu là đọc trên bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa. Quy định như vậy nhằm vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, vừa bảo đảm an toàn, tránh trường hợp bị can cố ý hủy hoại tài liệu gốc.

BLTTHS 2015 bổ sung một số quyền của người bị buộc tội. Nhằm bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo: (1) Được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến mình; (2) Đưa ra chứng cứ; (3) Có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; (4) Được nhận bản bào chữa của người bào chữa; (5) Đề nghị thay đổi người dịch thuật; (6) Bị cáo có quyền trực tiếp hỏi những người tham gia tố tụng nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý.

Để việc bào chữa được kịp thời, BLTTHS năm 2015 đã thay tên gọi “cấp Giấy chứng nhận bào chữa” thành cấp “Giấy đăng ký bào chữa”; đồng thời đơn giản thủ tục, rút ngắn thời hạn cấp xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa theo hướng: Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi có đề nghị của người bào chữa và họ xuất trình đủ giấy tờ và đủ điều kiện để tham gia bào chữa thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công thụ lý chính đối với vụ án phải cấp Giấy đăng ký người bào chữa cho họ. Văn bản thông báo cho người đăng ký bào chữa (trường hợp chấp nhận đăng ký) có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng thay vì chỉ có giá trị trong từng giai đoạn tố tụng. Đồng thời, BLTTHS 2015 còn có quy định về việc thu hồi “Giấy đăng ký bào chữa” trong trường hợp người bào chữa vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật tố tụng hình sự 2015: Bổ sung một số quyền của người bị buộc tội