Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn
Thủ tục rút gọn là thủ tục được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự theo trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết thông thường nhằm mục đích giải quyết vụ án nhanh chóng mà vẫn bảo đảm đúng pháp luật. Vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:
Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự thừa nhận nghĩa vụ, tài liệu chứng cứ đầy đủ bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ.
Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng.
Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận, thống nhất về việc xử lý tài sản. Phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn, đương sự có quyền đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ và Tòa án cũng có quyền xét xử vắng mặt Kiểm sát viên, vắng mặt đương sự đối với trường hợp có quy định trong BLTTDS.
Một phiên tòa dân sự sơ thẩm (ảnh minh họa)
Trường hợp tại phiên tòa mà phát sinh tình tiết mới làm cho vụ án không có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Thẩm phán xem xét ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn được tiến hành tại Tòa án cấp sơ thẩm và tại Tòa án cấp phúc thẩm.
Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu
Trong BLLĐ được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 có quy định TAND có quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu, tuyên bố thỏa ước lao động vô hiệu (xem các Điều 51, Điều 79 BLLĐ). Để thực hiện thẩm quyền này của Tòa án, BLTTDS năm 2015 quy định tại các Điều 401 và 402 về chủ thể yêu cầu Tòa án, thời hạn chuẩn bị xét yêu cầu, trình tự, thủ tục và căn cứ để Tòa án chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của người yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu (Điều 50 BLLĐ quy định về trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu. Điều 78 BLLĐ quy định về thỏa ước lao động tập thể vô hiệu).
Thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công
Đình công là sự ngừng việc tạm thời tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Trong BLLĐ năm 2012 có quy định đình công hợp pháp và đình công không hợp pháp, đồng thời cũng quy định Tòa án là cơ quan xét tính hợp pháp của cuộc đình công (từ Điều 223 đến Điều 232 BLLĐ năm 2012). Điều 215 BLLĐ năm 2012 quy định những trường hợp đình công bất hợp pháp là:
“Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công; Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức cá nhân giải quyết theo quy định của BLLĐ; Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định; Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công”.
BLTTDS năm 2015 quy định thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công từ Điều 403 đến Điều 413.
Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
Đây là trường hợp vụ việc xảy ra giữa các bên đương sự nhưng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải. Sau đó đương sự yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải đó. Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 27 BLTTDS năm 2015 có quy định về “yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Thẩm quyền này của Tòa án lần đầu tiên quy định trong văn bản pháp luật tố tụng dân sự ở nước ta. Để thực hiện nhiệm vụ này của Tòa án, Chương XXXIII của BLTTDS năm 2015 đã quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 BLTTDS năm 2015. Các điều kiện đó là: “Các bên tham gia thỏa thuận, hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; Các bên tham gia thỏa thuận, hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận, hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba, thì phải được người thứ ba đồng ý; Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận; Nội dung thỏa thuận, hòa giải của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba”.
Thủ tục giải quyết việc dân sự liên quan đến việc bắt giữ tàu bay, tàu biển
Điều 40 Bộ luật Hàng hải Việt Nam có quy định về bắt giữ tàu biển. Điều 44 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam có quy định về bắt giữ tàu bay. Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 27/8/2008 quy định trình tự, thủ tục và thẩm quyền bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời thi hành án dân sự, thực hiện tương trợ tư pháp và trình tự, thủ tục thả tàu biển đang bị bắt giữ.
Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 16/3/2010 quy định trình tự, thủ tục và thẩm quyền bắt giữ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay để bảo đảm lợi ích của chủ nợ, chủ sở hữu, người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại hoặc người khác có quyền, lợi ích đối với tàu bay hoặc để thi hành án dân sự và thẩm quyền, trình tự thủ tục thả tàu bay đang bị bắt giữ. Điều 422 BLTTDS năm 2015 quy định như sau: “Thủ tục giải quyết việc dân sự liên quan đến việc bắt giữ tàu bay, tàu biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu bay, tàu biển”. Theo quy định này thì khi Tòa án giải quyết việc dân sự liên quan đến việc bắt giữ tàu bay, tàu biển, Tòa án căn cứ vào Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay số 11/2010/UBTVQH12 ngày 16/3/2010 và Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển số 05/2008/UBTVQH12 ngày 27/8/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết”.