Về cơ bản, BLHS năm 2015 đã kế thừa khái niệm tội phạm quy định tại Điều 8 của BLHS năm 1999, đồng thời có bổ sung thêm hai nội dung liên quan đến chủ thể tội phạm và khách thể mà tội phạm xâm hại.
BLHS năm 2015 đã xác định rõ một trong những khách thể mà tội phạm xâm hại là “quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân” nhằm thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 là đề cao và bảo vệ hơn nữa quyền con người, quyền công dân.
Nhiều điều luật được sửa đổi một cách căn bản
Chương III của BLHS năm 2015 có 12 điều (từ Điều 8 đến Điều 19) quy định về chế định tội phạm, bao gồm: khái niệm tội phạm; phân loại tội phạm; cố ý phạm tội; vô ý phạm tội; tuổi chịu trách nhiệm hình sự; phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác; chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội; đồng phạm; che giấu tội phạm; không tố giác tội phạm. So với BLHS năm 1999, có 4 điều được giữ nguyên (gồm: Điều 10. Cố ý phạm tội; Điều 11. Vô ý phạm tội; Điều 15. Phạm tội chưa đạt và Điều 16. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội); 1 điều được bổ sung mới là Điều 9 về phân loại tội phạm (được tách từ khoản 2 Điều 8 của BLHS năm 1999) và 7 điều được sửa đổi một cách căn bản.
Khoản 1 Điều 8 của BLHS năm 2015 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.
Về phân loại tội phạm, Điều 9 của BLHS năm 2015 quy định về phân loại tội phạm được tách ra từ khoản 2 Điều 8 của BLHS năm 1999 và cơ bản vẫn giữ nguyên cách phân loại tội phạm dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Theo đó, tội phạm được phân chia thành bốn loại: (1) tội phạm ít nghiêm trọng; (2) tội phạm nghiêm trọng; (3) tội phạm rất nghiêm trọng; (4) tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc phân loại tội phạm theo cách này giúp các nhà làm luật có thể thực hiện được nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự ngay trong luật và đây cũng chính là điều kiện để có thể cá thể hoá trách nhiệm hình sự trong luật và trong thực tiễn áp dụng, đồng thời, là cơ sở để áp dụng các biện pháp ngăn chặn, để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và các thời hạn tố tụng cũng như quy định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.
TANDTC tổ chức tập huấn trực tuyến BLHS năm 2015 cho các cán bộ, Thẩm phán TAND trong toàn quốc
Tuy nhiên, cần lưu ý là Điều 9 của BLHS năm 2015 có sự khác biệt trong cách quy định về mức cao nhất của khung hình phạt đối với mỗi loại tội so với BLHS năm 1999. Cụ thể là, theo BLHS năm 1999 thì mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ít nghiêm trọng là đến 3 năm tù, tội nghiêm trọng là đến 7 năm tù và tội rất nghiêm trọng là đến 15 năm tù. Quy định này rất không rõ ràng vì chỉ quy định điểm cuối mà không quy định điểm bắt đầu để xác định mức cao nhất của khung hình phạt đối với mỗi loại tội, dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng. (Ví dụ, khoản 1 Điều 115 BLHS năm 1999 quy định mức phạt tù đến 5 năm tù; khoản 2 Điều 113 BLHS năm 1999 quy định mức phạt tù đến 10 năm tù. Nếu theo cách quy định mức cao nhất của khung hình phạt như trên thì không rõ các trường hợp phạm tội này thuộc loại tội nào).
Để góp phần khắc phục bất cập nêu trên, đồng thời tăng tính rõ ràng, minh bạch của Bộ luật, Điều 9 đã quy định rõ điểm bắt đầu để xác định mức cao nhất của khung hình phạt đối với mỗi loại tội, làm cơ sở để xác định loại tội phạm. Theo đó, tội ít nghiêm trọng là tội có mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ mà không có hình phạt tù hoặc là phạt tù đến 3 năm; tội nghiêm trọng là tội có mức cao nhất của khung hình phạt nằm trong khoảng từ trên 3 năm đến 7 năm tù; tội rất nghiêm trọng là tội có mức cao nhất của khung hình phạt nằm trong khoảng từ trên 7 năm đến 15 năm tù; tội đặc biệt nghiêm trọng là tội có mức cao nhất của khung hình phạt nằm trong khoảng từ trên 15 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân hoặc tử hình. Quy định này phân định rõ ranh giới giữa các loại tội, đồng thời, phù hợp với cách quy định các khung hình phạt trong từng tội danh trong BLHS.
Nhằm triển khai thống nhất các quy định của BLHS năm 2015 về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, BLHS năm 2015 đã bổ sung khoản 2 Điều 9 BLHS quy định phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại. Theo đó, tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện cũng được phân thành 4 loại, cũng dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và các khung hình phạt tương ứng tại 33 điều luật quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong phần các tội phạm cụ thể.
Thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi
Căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người dưới 18 tuổi, trên cơ sở quán triệt quan điểm nhân đạo hóa và tăng tính hướng thiện của chính sách hình sự đối với lứa tuổi này trên tinh thần vì lợi ích tốt nhất của các em, quy định của BLHS năm 1999 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự đã được sửa đổi một cách cơ bản theo hướng thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi, đặc biệt là đối với lứa tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Điều luật này có những mới đáng chú ý, cụ thể là khoản 1 Điều 12 của BLHS năm 2015 tiếp tục kế thừa quy định của BLHS năm 1999 về trách nhiệm hình sự của người từ đủ 16 tuổi trở lên. Theo đó, “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm”, đồng thời, đã bổ sung quy định loại trừ: “trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác” để loại trừ trường hợp điều luật quy định chủ thể đặc biệt nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa quy định của phần chung và quy định trong phần các tội phạm cụ thể. Ngoài ra, so với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đồng thời chỉ rõ những tội danh mà các em phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này thể hiện chính sách hướng thiện đối với trẻ em theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em trên tinh thần bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, đồng thời, góp phần nâng cao tính minh bạch của BLHS, qua đó nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa tội phạm đối với các em ở độ tuổi này. Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 28 tội danh được nêu tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật.
Các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc 26 tội danh, còn đối với 3 tội danh khác (cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hiếp dâm; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản) thì các em phải chịu trách nhiệm hình sự kể cả trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng. Như vậy, theo quy định này, riêng đối với 3 tội danh này thì phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có mở rộng hơn so với BLHS năm 1999.
(còn nữa)