Hai ngày sau cuộc họp của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có văn bản trình Thủ tướng đề xuất 2 phương án thay đổi thời gian làm việc, học tập và giờ kinh doanh thương mại tại Hà Nội.
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: TTXVN.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cả 2 phương án đều giống nhau về giờ làm việc, giờ học của khối học sinh nhưng khác nhau về giờ học khối sinh viên. Công chức cơ quan Trung ương sẽ làm ca sáng từ 9h đến 12h; ca chiều từ 13h đến 18h. Công chức Hà Nội sẽ làm giờ ca sáng từ 8h30 đến 12h; ca chiều từ 13h đến 17h30.
Đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS sẽ học bán trú từ 8h đến 17h30. Học sinh THPT sẽ học ca sáng từ 7h đến 11h; ca chiều từ 12h30 đến16h30. Các trung tâm kinh doanh, thương mại sẽ mở cửa từ 9h30 đến 23h30.
Với khối sinh viên, giờ học sẽ phân chia cụ thể theo địa bàn quận.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, khuyến khích bố trí giờ làm việc tránh giờ cao điểm.
Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao UBND Tp. Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Theo Bộ trưởng, tuy Hà Nội chưa có văn bản chính thức nhưng cơ bản đồng ý nên Bộ GTVT đã chính thức trình Thủ tướng phương án thay đổi giờ làm việc và sẽ thực hiện khi Thủ tướng đồng ý.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng vừa có văn bản gửi UBND Tp. Hà Nội và TP.HCM đề nghị xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố và gửi về Bộ GTVT trước ngày 15-1-2012.
Bộ kiến nghị UBND Tp. Hà Nội cấm taxi, hạn chế xe cá nhân lưu thông trên một số tuyến có lưu lượng lớn, hay ùn tắc vào giờ cao điểm; bố trí thêm nhiều cặp đường một chiều; dừng cấp phép thành lập thêm hãng taxi, không cho tăng số lượng taxi của các hãng đang hoạt động; kiên quyết không dùng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, điểm đỗ xe...
Giao thông Hà Nội thường tắc nghẽn vào giờ cao điểm.
Có thể nói, từ nhiều năm nay, tình trạng ùn tắc tại Hà Nội và TP.HCM đã gây bức xúc cho người dân và trở thành đề tài nóng bỏng cả trên nghị trường Quốc hội lẫn ngoài xã hội. Hà Nội từng đề xuất nhiều giải pháp để giảm tình trạng này, như đi xe biển chẵn lẻ theo ngày chẵn lẻ, điều chỉnh giờ làm việc, nhưng chưa thực hiện được.
Năm 2009, Hà Nội áp dụng giải pháp bịt một số ngã tư, tuy nhiên sau đó bị dư luận phản đối. Hiện thành phố triển khai việc phân làn trên một số tuyến và dự kiến trong tương lai giải pháp này sẽ được áp dụng trên tất cả tuyến đường.
Hà Nội hiện có khoảng 360.000 học sinh mầm non, 470.000 học sinh tiểu học, 320.000 học sinh THCS và khoảng 215.000 học sinh THPT. Số lượng sinh viên đại học và cao đẳng học tại các cơ sở đào tạo trong nội thành gần 478.900 sinh viên. Trong đó nhiều nhất là quận Cầu Giấy và quận Đống Đa, mỗi quận có 13 trường, tiếp đó là quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng, mỗi quận 6 trường. Theo Bộ GTVT có khoảng 355.000 cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách, trong đó các cơ quan Trung ương khoảng 200.000 người, chiếm 57%; số lượng cán bộ cơ quan trực thuộc Hà Nội khoảng 155.00 người, chiếm 43%. |
Việt Anh - Phương Lan