Bộ Giao thông Vận tải phải sớm xử lý tồn tại các dự án thu phí BOT

Mai Thoa| 02/01/2020 17:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị triển khai công tác ngành Giao thông vận tải, ngày 2/1.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo Báo cáo của Bộ GTVT, năm 2019, việc quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án tiếp tục được triển khai chặt chẽ, quyết liệt, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành, đưa vào khai thác 16 dự án, khởi công mới 15 dự án.

Trong đó, một số dự án hoàn thành như: cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2, hầm Cù Mông, cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn, cầu Vàm Cống; khởi công 2 đoạn đầu tiên cao tốc Bắc - Nam (đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn Cao Bồ - Mai Sơn)...

Bộ Giao thông Vận tải phải sớm xử lý tồn tại các dự án thu phí BOT

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Bộ GTVT cũng đã xây dựng đề án đổi mới quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực giao thông vận tải, đồng thời, ban hành nhiều công điện, chỉ thị tăng cường quản lý, thực hiện nhiệm vụ, công vụ liên quan đến quản lý, thực hiện dự án, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực. Tăng cường kiểm soát lựa chọn nhà thầu và quản lý thực hiện hợp đồng xây lắp, đặc biệt, tại các dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông…

Về giải ngân, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Tuấn Anh cho hay, dự kiến đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch năm 2019 (31/1/2020) của Bộ Giao thông Vận tải ước đạt 26.700 tỷ đồng, tương đương 88,6% kế hoạch năm 2019 được giao (30.134 tỷ đồng). Việc quyết toán tiếp tục được đẩy mạnh bằng lập và trình 64 dự án, giá trị 31.422 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch; thẩm tra, phê duyệt quyết toán 67 dự án, hạng mục với giá trị 24.196 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà ngành GTVT đã đạt được trong năm qua. Năm 2019, ngành GTVT đã tập trung công tác xây dựng thể chế, tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản pháp luật; Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; Quản lý vận tải được tăng cường về chất lượng dịch vụ, loại hình đã góp phần giảm chi phí vận tải, giảm chi phí đầu vào; Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông triển khai tích cực…

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế và đề nghị ngành giao thông sớm khắc phục. Đó là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn, dù mất nhiều thời gian cho công tác này. Tiến độ thi công tại một số dự án còn chậm, như các dự án đường sắt đô thị, các dự án đường bộ cao tốc: Bến Lức-Long Thành, Trung Lương-Mỹ Thuận... Đặc biệt là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, sau nhiều lần lùi tiến độ, đến nay vẫn chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Cùng với đó là tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất chưa được xử lý dứt điểm. Giao thông đường thủy nội địa chưa được chú trọng, nút thắt khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa được xử lý. Việc kết nối giao thông giữa các khu vực kinh tế còn hạn chế, đầu tư giao thông cho khu vực miền núi phía bắc còn chậm.

Một số công trình, dự án còn để xảy ra các khiếm khuyết về chất lượng gây dư luận không tốt như cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, tuyến tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai; Tình hình an ninh trật tự tại một số trạm thu phí BOT vẫn còn nhiều phức tạp, gây khó khăn trong công tác triển khai thu phí hoàn vốn các dự án; tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng (BOO1, BOO2) không hoàn thành theo chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung xử lý những tồn tại các trạm thu phí BOT

Phó Thủ tướng đánh giá, kết cấu hạ tầng giao thông nhìn chung còn thấp, kết nối thiếu đồng bộ, còn nhiều nút thắt cần giải quyết. Đường bộ nước ta có 290.000km đường bộ nhưng chỉ có 1.300km đường cao tốc. Trong chiến lược phát triển 10 năm tới, mục tiêu vào năm 2020 đạt 2.000km đường cao tốc, phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ Giao thông Vận tải phải sớm xử lý tồn tại các dự án thu phí BOT

Quang cảnh hội nghị

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT năm 2020 phải tập trung xây dựng pháp luật; phối hợp các Bộ xác định rõ cơ chế đầu tư khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất) nhằm tháo gỡ nhanh, báo cáo Chính phủ; tái cấu trúc vận tải toàn ngành để đảm bảo phát triển hài hòa hợp lý vận tải đa phương thức, logistics; phát triển vận tải hành khách công cộng.

Rà soát cập nhật các quy hoạch trong giai đoạn 2021-2030 theo Luật quy hoạch hướng tới 2040 của toàn ngành; giai đoạn 2021-2030 cố gắng có thêm 3.000km đường cao tốc, quy hoạch đường sắt mạng lưới tổng thể các khu vực để giải quyết các nút thắt; quy hoạch hệ thống Cảng hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa.

Cùng với đó là tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia đã có vốn hoặc huy động được vốn như tuyến cao tốc Bắc-Nam đẩy nhanh việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, cơ bản giữa năm 2021 đưa vào vận hành; Khẩn trương nâng cấp Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đầu tư sân bay Long Thành.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đảm bao tiến độ đường sắt đô thị, đặc biệt là đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông để sớm giải quyết để đưa vào hoạt động phục vụ người dân; xử lý tồn tại các dự án thu phí BOT

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định, năm 2020 sẽ khắc phục những tồn tại nêu trên. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải, đáp ứng nhu cầu tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết. Cùng đó, Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Giao thông Vận tải phải sớm xử lý tồn tại các dự án thu phí BOT