Bỏ cộng điểm khuyến khích học nghề giúp đánh giá đúng năng lực

Ngô Chuyên| 09/01/2018 11:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT trong đó đưa ra quy định sẽ bỏ cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Đặc biệt, điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng.

Theo như dự thảo mới này đã bỏ đi khoản 3 Điều 7 của Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ban hành ngày 18/4 năm 2014 về quy chế tuyển sinh THCS và THPT: “Đối tượng được cộng điểm khuyến khích. Sở GD-ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích”.

Như vậy, Bộ không giao cho cho các Sở GD-ĐT quy định đối tượng và mức cộng điểm khuyến khích nữa, thi vào lớp 10 thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích, trong đó có điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS hay cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa do các sở GD-ĐT tổ chức.

Bỏ cộng điểm khuyến khích học nghề giúp đánh giá đúng năng lực

Hiện nay, nhiều học sinh học nghề với mục đích để được cộng điểm ưu tiên. Ảnh Ngô Chuyên.

Trước dự thảo đó, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, bởi nhiều người suy nghĩ điểm nghề là “cái phao cứu trợ” khi con mình thiếu 0,5 đến 1 điểm để vào trường cấp ba.

Chị Nguyễn Thị Hướng (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Khi chỉ tiêu vào các trường công lập ngày một khan hiếm, chỉ cần hơn nhau 0.5 là đứa vào trường đứa trượt nên tôi đã vận động con gái cố gắng đi học nghề để kiếm thêm một điểm. Thà không dùng đến vẫn hơn là sau thiếu còn có cái mà bám vào”.

Chị Hướng chia sẻ thêm: “Thấy con người ta đi, con mình không đi cũng lo. Đối với học sinh ở các tỉnh không áp lực nhiều nhưng mấy năm nay tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội và TP. HCM khó khăn, quả thật rất khó. Nhiều người còn ví khó hơn vào đại học nên cứ có phương án nào an toàn là gia đình tôi động viên cháu làm”.

Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, đáng lẽ ra dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT nên đưa ra sớm, không để nước đến chân mới nhảy, trong khi các con cũng bỏ một thời gian cả học kỳ 1 để học.

Đồng tình với chính sách bỏ điểm cộng nghề, bởi hiện nay học nghề đang mang tính chất cộng điểm vào cấp ba, nhiều học sinh coi đó là “phao cứu cánh” nếu thiếu điểm chưa thực sự học để ứng dụng.

Đồng thời, cuối cấp thời gian học rất nhiều cộng thêm cả môn nghề nữa khiến con rất mệt mỏi mà vì 0.5 đến 1 điểm cộng buộc các con phải gánh thêm một môn học nữa thì quả thật vất vả. Chị Nguyễn Thị Thủy (Can Lộc, Hà Tĩnh) nói: “Hiện nay, tôi thấy các con học nghề chỉ mang tính chất vì cộng điểm chứ chưa phải học để ứng dụng. Như con gái tôi trước đây học nghề vườn, theo như giáo trình thì các con sẽ biết ghép cây, chiết cành nhưng giờ hỏi con con có biết làm không thì nó lắc đầu”.

Bỏ cộng điểm khuyến khích học nghề giúp đánh giá đúng năng lực

Ảnh minh họa.

“Qúa trình học và thi phải học ngay từ đâu, không thể nước đến chân mới nhảy được. Nếu từ khi bước vào cấp 2 các con được định hướng học hành nghiêm túc thì cánh cửa vào cấp 3 cũng không quá khó khăn và áp lực, quá trình làm bài thi các con cố thêm 1 – 2 điểm  không quá khó khăn. Còn nước đến chân, học này học nọ để cộng điểm thì đó không phải là phương án tốt”, chị Thủy nói.

“Chúng ta nên có một cuộc thi công bằng, dùng chính năng lực học, kiến thức học thực sự để thi để các con tự khẳng định mình. Còn nếu vào được công lập mà con không lo học thì cũng chẳng hữu ích gì, đi học chạy theo cùng các bạn trong lớp cũng đã mệt mỏi”, chị Thủy nói thêm.

Đồng tình với dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng trường TPHT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nói: “Tôi ủng hộ bỏ cộng điểm khuyến khích nghề. Khi bỏ cộng điểm khuyến khích nghề nhằm tạo sự công bằng cho học sinh, buộc học sinh phải học tập, rèn luyện thực chất”.

“Hiện nay, nhiều trường đang dạy học sinh học theo hình thức trải nghiệm, thông qua các hoạt động để nắm nguyên lý, chính những bộ môn nghề lại là phục vụ cho những trải nghiệm đó và trở thành nhu cầu học tập, sáng tạo của học trò thì học trò và giúp các em học thích thú hơn, không phải bộ môn nghề là học để lấy điểm cộng ưu tiên”.

“Đồng thời, muốn nâng cao chất lượng cho học nghề tốt, buộc các thầy cô giáo phải thay đổi tư tưởng, thay đổi những hướng đi để học nghề cuốn hút học trò và các em học với tinh thần tự nguyện chứ không phải là học vì điểm cộng vào trường”, thầy Tùng Lâm nói.

Hiện nay, ở nhiều trưởng học áp dụng mô hình học STEM nhà trường đưa kỹ thuật, đưa công nghệ vào và học sinh được vừa học, vừa trải nghiệm. Các em được sử dụng những kiến thức lý thuyết vào thực hành những ý tưởng đó sẽ được thực hiện chính trong các giờ học cho của học sinh nhằm kích thích các em đam mê khám phá khoa học, ứng dụng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ cộng điểm khuyến khích học nghề giúp đánh giá đúng năng lực