Bộ Công an xin lỗi hai doanh nhân bị bắt oan 20 năm trước

Gia Anh| 05/03/2020 14:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 5/3, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an chính thức xin lỗi 2 doanh nhân bị bắt tạm giam không có Lệnh tạm giam hợp pháp, tại Hội trường Cty CP XS TM Hưng Thịnh ở TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Theo đó, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chính thức tổ chức lễ công khai xin lỗi hai ông Bùi Mạnh Lân, Tổng giám đốc và ông Phạm Văn Hướng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại Hưng Thịnh.

Buổi lễ được tổ chức trang trọng tại văn phòng khu công nghiệp Đồng An 1 (do Công ty Hưng Thịnh làm chủ đầu tư) tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đây cũng chính là nơi mà các điều tra viên đọc lệnh bắt khẩn cấp ông Lân, ông Hướng gần 20 năm trước.

Tại buổi xin lỗi, Thượng tá Đặng Trọng Cường – Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, thay mặt Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đọc lời xin lỗi 2 ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng.

"Chúng tôi mong 2 ông chấp nhận lời xin lỗi vì những sai sót. Đây là một bài học sâu sắc cho cơ quan điều tra, cần sâu sát và toàn diện hơn, không để xảy ra sai sót trong tương lai" - Thượng tá Cường nói.

Bộ Công an xin lỗi hai doanh nhân bị bắt oan 20 năm trước

Đại diện Bộ Công an xin lỗi 2 doanh nhân bị bắt oan. Ảnh: VnE

Đại diện Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an cho hay năm 2003 trong quá trình điều tra vụ án, cán bộ điều tra đã chủ quan, có đề xuất nóng vội, bắt tạm giam 2 ông mà không có Lệnh bắt tạm giam hợp pháp, gây ảnh hưởng quyền lợi, thiệt hại cho ông Lân và ông Hướng.

Sau khi nhận hoa của Bộ Công an, ông Bùi Mạnh Lân phát biểu đã nhận lời xin lỗi của đại diện văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra, tuy nhiên ông Lân nói sẽ từ chối nhận bồi thường của nhà nước.

"Tôi không nhận bồi thường vì dù tiền bồi thường này lấy từ nguồn nào cũng là xuất phát từ tiền thuế của người dân. Và với những gì gia đình tôi và doanh nghiệp phải chịu đựng trong gần 20 năm qua, có lẽ không có tiền bạc nào có thể đo đếm được" - ông Lân nói.

Còn ông Phạm Văn Hướng cho biết "không nặng nề số tiền bồi thường là bao nhiêu" nhưng ông đề nghị cơ quan chức năng cần sớm giải quyết cho ông.

Ông Lân, ông Hướng kiến nghị Bộ Công an và cơ quan chức năng không chỉ dừng lại ở việc xin lỗi mà cần tiếp tục xử lý trách nhiệm của những người đã bắt giữ người trái pháp luật theo đúng quy định của pháp luật.

Theo hồ sơ, ông Hướng góp vốn trong Công ty TNHH Gas Bình Dương, đóng tại Khu công nghiệp Đồng An, giữ chức Phó Tổng giám đốc. Năm 2000, ông Hướng cùng hai thành viên khác trong HĐQT cho rằng ông Nguyễn Viết Tạo, Tổng giám đốc có biểu hiện lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản của công ty.

Ngày 18/9/2000, nghi ông Tạo có ý đồ tẩu tán tài sản, một số thành viên trong HĐQT đưa người đến công ty canh giữ. Ông Tạo chỉ đạo bảo vệ chống lại, dẫn đến xô xát.

Hai năm sau, ông Tạo gửi đơn tố cáo một số lãnh đạo Công ty cổ phần Hưng Thịnh (đơn vị chủ đầu tư Khu công nghiệp Đồng An) thuê đàn em Năm Cam chiếm giữ tài sản của Công ty Gas. Khi đó, Bộ Công an đang điều tra chuyên án nhóm tội phạm xã hội đen do Năm Cam cầm đầu.

Ngày 29/4/2003, Bộ Công an khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng xảy ra tại đây từ năm 2000, đồng thời bắt ông Lân, ông Hướng cùng 5 người khác. Sau đó cả hai lần lượt được tại ngoại. Qua xem xét hồ sơ, ngày 16/8/2004 VKSND tối cao đã đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Lân, ông Hướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công an xin lỗi hai doanh nhân bị bắt oan 20 năm trước