Ngày 15/6, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin với báo chí về vụ án Hồ Duy Hải.
PV: Thưa ông, trong phần thảo luận về kinh tế-xã hội sáng 15/6, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã có phần trả lời trước Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải. Được biết, sau khi có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, Bộ Công an đã thành lập Tổ thẩm định độc lập để xem xét lại những tình tiết của vụ án, ông có thể cho biết kết quả thẩm định độc lập của Bộ Công an?
Thiếu tướng Tô Ân Xô: Ngày 22/11/2019, sau khi có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vụ án Hồ Duy Hải, Bộ Công an đã thành lập Tổ thẩm định độc lập thẩm định vụ án.
Kết quả thẩm định cho thấy: Lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải phù hợp kết quả khám nghiệm hiện trường, kết quả khám nghiệm tử thi, kết quả thực nghiệm điều tra, lời khai nhân chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án; có đủ chứng cứ xác định Hồ Duy Hải là thủ phạm giết chị Hồng, chị Vân; lấy tiền, sim card, điện thoại của Bưu điện và nữ trang của hai nạn nhân tại Bưu điện Cầu Voi ngày 13/1/2008. Hành vi của Hồ Duy Hải đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” và “Cướp tài sản” được quy định trong Bộ Luật hình sự.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an (Ảnh TTX)
Để đưa ra những căn cứ xác định Hồ Duy Hải phạm tội là tổng thể hệ thống các chứng cứ phù hợp đã được thu thập trong quá trình điều tra vụ án, đã được Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm xem xét đánh giá một cách khách quan, toàn diện thể hiện trong các bản án công khai.
Sáng 15/6, trong phần phát biểu của mình, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã thêm một lần nữa làm rõ vấn đề này trước Quốc hội.
PV: Để chứng minh Hải phạm tội, cơ quan điều tra căn cứ vào những chứng cứ nào, thưa ông?
Thiếu tướng Tô Ân Xô: Những chứng cứ chính kết tội Hồ Duy Hải, tập trung vào các nhóm vấn đề sau:
Số điện thoại di động Hải gọi đến Bưu điện Cầu Voi thể hiện Hải có mối quan hệ với các nạn nhân. Xe máy Dream mà Hải sử dụng làm phương tiện đi đến Bưu điện Cầu Voi gây án, Cơ quan điều tra đã thu giữ phù hợp với lời khai và mô tả của nhân chứng.
Về hiện trường vụ án: Hải khai báo đầy đủ, mô tả chi tiết về hiện trường vụ án trong đó có những chi tiết mà nếu không phải là người có mặt trực tiếp tiếp cận hiện trường thời điểm xảy ra vụ án thì không thể biết và trình bày được, như đặc điểm, vị trí ly nước trên bàn, salon; 2 bịch trái cây chị Vân mới mua về (do Hải đưa tiền bảo đi mua) để trên bàn salon; vị trí, tư thế tử thi các nạn nhân, cơm khô rơi đổ ở khu vực cầu thang và nơi để bếp ăn.
Dấu vết trên tử thi các nạn nhân, dấu vết bị đánh, đập bằng thớt trên đầu, mặt chị Hồng, dấu vết bị đập vào vùng đỉnh đầu của chị Vân; các dấu vết bị cắt cổ của chị Hồng, chị Vân đều phù hợp với lời khai của Hải về việc sử dụng hung khí, động tác, diễn biến quá trình gây án mà nếu không phải thủ phạm thì không thể biết và khai báo phù hợp với biên bản khám nghiệm tử thi.
Hải khai sử dụng các hung khí là thớt, ghế và dao thì hồ sơ điều tra thể hiện những đồ vật này có ở hiện trường; tài sản của chị Hồng, chị Vân và bưu điện bị lấy mất gồm đồ nữ trang, tiền, điện thoại, sim card điện thoại đều phù hợp với lời khai của Hải. Phần này có 2 tình tiết quan trọng: Dây chuyền Hải lấy của chị Vân không có mặt, khám nghiệm tử thi thấy mặt dây chuyền dính trên cổ áo chị Vân. Từ lời khai của Hải và việc sử dụng số tiền lấy được để chơi số lô, Cơ quan điều tra mở rộng điều tra vụ án, khởi tố thêm 9 đối tượng về tội đánh bạc và đã đưa ra xét xử, các đối tượng đánh bạc đều nhận tội như lời khai của Hải.
PV: Trong quá trình điều tra, giám sát vụ án có phát hiện ra việc Hải bị bức cung, mớm cung, nhục hình hay không, thưa ông?
Thiếu tướng Tô Ân Xô: Bộ Công an đã kiểm tra và thấy các biện pháp tố tụng mà Cơ quan điều tra tỉnh Long An áp dụng đối với Hải đều có căn cứ, thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định, trong suốt quá trình điều tra không có hiện tượng bức cung, nhục hình.
Vụ án sau khi qua các cấp xét xử cũng đã được Tổ liên ngành Tư pháp Trung ương thẩm định. Quá trình làm việc của Đoàn kiểm tra giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng như quá trình Bộ Công an thẩm định độc lập vụ án đều xác định Hồ Duy Hải không bị bức cung, nhục hình, tự nguyện khai báo. Sau khi có kết quả xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Hải có đơn xin giảm nhẹ hình phạt chứ không kêu oan.
PV: Hiện nay có một số bài viết trên mạng xã hội và cả ý kiến phát biểu của một số cá nhân cho rằng Cơ quan điều tra ra chợ mua dao, mua thớt đưa vào hồ sơ để làm vật chứng vụ án. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thiếu tướng Tô Ân Xô: Bộ Công an khẳng định thông tin này là hoàn toàn sai sự thật, làm dư luận hiểu sai về hoạt động của Cơ quan điều tra. Cần lưu ý, đây là vụ án truy xét, khi vụ án xảy ra chưa xác định được thủ phạm, chưa rõ động cơ mục đích, hung khí, phương tiện gây án, chỉ sau 2 tháng mới điều tra làm rõ được.
Về cái thớt và con dao: ban đầu Cơ quan điều tra chưa thu thập được là do tại thời điểm đó, Điều tra viên chưa và những người tham gia khám nghiệm chưa có thông tin, không hình dung được cái thớt là hung khí gây án (mặc dù cái thớt đã được ghi nhận trong bản ảnh hiện trường vụ án); còn con dao giấu sau tấm bảng nên không phát hiện được.
Sau khi khám nghiệm, hiện trường vụ án rất tang thương, nên Bưu điện đã thuê người dọn dẹp và đốt các vật dụng liên quan, trong đó có con dao và cái thớt, do đó không thể truy tìm lại.
Cơ quan điều tra đã cho nhân chứng là những người thu dọn hiện trường mua và cung cấp cái thớt và con dao tương tự để nhận dạng vật tương tự. Quá trình điều tra, Hải đã chủ động khai báo về con dao, cái thớt dùng làm hung khí gây án phù hợp với lời khai của những người dọn hiện trường, Cơ quan điều tra cho Hải nhận dạng vật tương tự, Hải nhận dạng con dao và cái thớt nêu trên có điểm tương tự con dao, cái thớt Hải sử dụng làm hung khí gây án.
Con dao cái thớt được mua về với mục đích để Hải nhận dạng vật tương tự hung khí gây án, chứ không phải là vật chứng trong vụ án. Qua đó làm sáng tỏ đặc điểm hung khí gây án để đánh giá lời khai của Hải với các dấu vết tại hiện trường, tử thi. Việc này củng cố chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và phù hợp quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
PV: Vậy căn cứ nào để khẳng định Hải có mặt tại hiện trường vụ án thời điểm xảy ra vụ án, thưa ông?
Thiếu tướng Tô Ân Xô: Kết quả thẩm định độc lập xác định, lúc 19 giờ 13 phút 39 giây, Hồ Duy Hải đang làm thủ tục cầm điện thoại di động Nokia tại tiệm cầm đồ Kim Hưng thì nhận được điện thoại của anh Võ Lộc Đang. Hải nói chuyện với anh Đang khoảng 30 giây rồi tắt điện thoại, cầm cố điện thoại cho bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh lấy 1,5 triệu đồng rồi điều khiển xe mô tô chạy từ tiệm cầm đồ Kim Hưng về nhà Hải đổi xe, sau đó Hải điều khiển xe Dream BKS 62F5-0842 đến gặp Đang tại quán cà phê Bảy Thanh, chở Đang đến quán cà phê Hai Thượng để Đang vào trả tiền thua cá độ rồi một mình Hải đi đến Bưu điện Cầu Voi.
Bưu điện Cầu Voi nơi xảy ra vụ án mạng năm 2008
Hải khai ước lượng về vận tốc điều khiển xe khoảng 60km/h, còn khi thực nghiệm kiểm tra lại thì Cơ quan điều tra chỉ cho xe chạy với tốc độ 40km/h. Kết quả kiểm tra xác định hành trình của Hải từ tiệm cầm đồ Kim Hưng (về nhà đổi xe -ra gặp Đang và chở Đang đi trả tiền thua cá độ) đến Bưu điện Cầu Voi là 7,5km, thời gian là khoảng 15 phút (trong khi đó khoảng cách giữa thời gian chênh nhau là gần 26 phút). Như vậy việc Hải có mặt ở Bưu điện Cầu Voi trước khi anh Đinh Vũ Thường vào Bưu điện gọi điện thoại (19 giờ 39 phút 22 giây) là không có gì mâu thuẫn.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, kết quả khám nghiệm hiện trường không thu được dấu vân tay của Hồ Duy Hải, như vậy có nghĩa rằng Hải không mặt tại hiện trường vụ án?
Thiếu tướng Tô Ân Xô: Trước hết cần hiểu rõ về quy luật dấu vết của khoa học hình sự, không phải người nào đến hiện trường đều để lại dấu vân tay. Thực tế, nạn nhân Hồng thường xuyên ở tại Bưu điện Cầu Voi nhưng khám nghiệm hiện trường và qua giám định không phát hiện dấu vân tay của Hồng, do đó việc không phát hiện dấu vân tay của Hải ở hiện trường không phải là căn cứ khẳng định Hải không đến Bưu điện Cầu Voi, không phải là chứng cứ ngoại phạm của Hải.
Khám nghiệm hiện trường có phát hiện và thu giữ 7 dấu vết đường vân tay (qua giám định kết luận 2 dấu vân tay là của chị Vân, còn lại 5 dấu vân tay không xác định được của ai) ở mặt trong cửa kính trên cánh cửa sau, trên mặt kính ghế sofa, trên tủ kính trong phòng ngủ và trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo.
Cơ quan điều tra đã đối chiếu với đường vân của 144 người nghi liên quan để truy nguyên dấu vân tay thu tại hiện trường nhưng không phát hiện dấu vân tay trùng khớp; đối chiếu với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải cũng không trùng khớp.
Việc không truy nguyên, không xác định được người để lại dấu vân tay tại Bưu điện Cầu Voi có nguyên nhân bưu điện là nơi giao tiếp của nhiều người dân, có nhiều người qua lại, gọi điện thoại và sử dụng các dịch vụ bưu điện nên không thể xác định hết được. Cũng chưa có cơ sở nào để xác định dấu vân tay thu được tại Bưu điện Cầu Voi do thủ phạm gây án để lại.
Riêng về dấu vân tay để lại trên lavabo: Lavabo trong nhà vệ sinh tách rời với căn nhà là hiện trường vụ án và không được khoanh vùng bảo vệ hiện trường trước khi khám nghiệm nên có thể có người ra vào, để lại dấu vân tay tại đây. Các lần ra nhà vệ sinh Hải đều rửa tay, rửa dao dính máu nên khi đó khả năng không để lại dấu vân tay của Hải ở đây.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!