Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đang điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô. Kết quả điều tra xác định Trường Đại học Đông Đô đã cấp Bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ Chính quy – Văn bằng 2 cho nhiều cá nhân không đúng quy định.
Để phục vụ công tác điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ chính quy - Văn bằng 2 do trường Đông Đô cấp, phải báo ngay bằng văn bản cho cơ quan An ninh điều tra.
Ngoài ra, các cá nhân đã được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ chính quy - Văn bằng 2 cũng cần liên hệ với cơ quan An ninh điều tra để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Cơ quan điều tra đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu trước ngày 15/1/2021 đến Phòng 5, số 7 Nguyễn Đình Chiểu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; điện thoại 0692342143 hoặc 0692342431.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, dù chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh nhưng Trần Khắc Hùng đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các quyết định và ồ ạt tuyển sinh.
Theo đó, ngày 21/1/2015, Đại học Đông Đô có báo cáo thống kê năm học 2014 – 2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của gửi Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GĐ-ĐT. Tại công văn này không có nội dung đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 chính quy, song vẫn được Bộ GĐ-ĐT thông báo có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Đến các năm học sau, Đại học Đông Đô có văn bản "xin" chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy và được các đơn vị chức năng của Bộ GĐ-ĐT cho đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó năm 2016 là 150 chỉ tiêu; năm 2107 là 150 chỉ tiêu và năm 2018 là 400 chỉ tiêu.
Đến thời điểm phát hiện sai phạm, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh văn bằng 2 cho 626 trường hợp. Tuy nhiên, công an chỉ xác định và làm việc được với 217 trường hợp (một người đã chết).
Trong đó, 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện cấp bằng, 23 người có tham gia học tập nhưng do Trường Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo nên không có giá trị.
Cũng theo CQĐT, trong số 193 người được cấp bằng giả thì có tới 60 người đã sử dụng bằng. Đặc biệt, 55 trường hợp sử dụng xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, một trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ...
CQĐT đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ vi phạm theo quy định đối với 58 người đã sử dụng bằng, hai trường hợp còn lại không kiến nghị xử lý vì một người đã nghỉ công tác và một người chủ động tố cáo sai phạm.