Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trọng Bằng| 22/04/2022 11:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội nghị nhằm quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL- vùng cực Nam của Tổ quốc, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết quan trọng này.

bo-chinh-tri-to-chuc-hoi-nghi-phat-trien-dbscl(1).jpg
Hội nghị về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức tổ Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ĐBSCL.

Hội nghị nhằm quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL- vùng cực Nam của Tổ quốc, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết quan trọng này.

Đây là hội nghị thứ 2 về phát triển vùng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức. Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào sáng 15/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hiện nay, về địa chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh, nước ta chia thành 6 vùng, bao gồm: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên. Vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL.

Với ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng  Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến vùng ĐBSCL. Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ta ban hành, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010.

Nghị quyết số 21-NQ/TW đã xác định những định hướng, mục tiêu, giải pháp quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của Vùng, trong đó nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững; gắn phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng quan hệ sản xuất mới, phù hợp; các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là với đồng bào Khmer và nhân dân vùng ngập lũ; phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng vững chắc”.

Mục tiêu của Nghị quyết số 21 đã cơ bản được hoàn thành; tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước thời gian qua…

Sau gần 20 năm triển khai, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 21 về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với tư duy, quan điểm, tầm nhìn phù hợp bối cảnh mới, nhằm đưa ra các mục tiêu, chủ trương, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện Nghị quyết số 21, để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời gian tới.

bo-chinh-tri-to-chuc-hoi-nghi-phat-trien-dbscl1.jpg

Báo cáo tại Hội nghị đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trình bày những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết nhấn mạnh, vùng ĐBSCL là vùng cực Nam của Tổ quốc - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước. Vùng nằm liền kề tuyến hàng hải Đông - Tây, có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, kết nối Nam Á và Đông Á cũng như với Úc và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương, với chiều dài hơn 700 km bờ biển, chiếm 23% bờ biển cả nước, khoảng 360.000 km2 vùng biển và thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế; có các quần đảo Thổ Chu, Nam Du và đảo Phú Quốc là những chuỗi đảo hết sức quan trọng kiểm soát tuyến đường biển Thái Bình Dương qua Biển Đông nối với Ấn Độ Dương.

Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước; là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới (đó là những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí được quy định trong Công ước, ký năm 1971 tại thành phố Ramsar - Iran, bao gồm: Vườn quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp; Vườn quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn quốc gia U Minh Thượng - Kiên Giang và Làng Sen - Long An). Đồng thời, trong vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thuỷ triều…

Đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, hào hùng và rất vẻ vang; là địa bàn sinh sống, gắn bó, đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khơ Me, Hoa, Chăm,... với những nét văn hoá hết sức đặc thù và nền văn minh sông nước độc đáo, như giao thông chủ yếu sử dụng ghe, thuyền; các điểm quần cư nông thôn gắn liền với hệ thống kênh rạch, sống chung với lũ và phương thức khai thác các sản vật mùa khô và mùa nước nổi…

Vùng ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn, và tiềm năng, lợi thế to lớn cho phát triển cần được khai thác có hiệu quả hơn trên cơ sở xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này.

Tiếp đó, các đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh thảo luận tại Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 6 giải pháp để hoàn thiện thể chế liên kết vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển bứt phá trong giai đoạn tới. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực rộng, là nguồn kinh tế trọng điểm của vùng, trong thời gian tới, cần giải quyết thỏa đáng những vấn đề nội tại để phát triển toàn diện và nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp với mức giá cạnh tranh, chi phí đầu vào tối ưu, tạo những giá trị gia tăng cao… Phải có “cuộc cách mạng” tổ chức lại sản xuất, có sự vào cuộc của lãnh đạo tất cả các địa phương…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long