Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 132- QÐ/TW về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Quy định do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư thay mặt Bộ Chính trị ký ngày 8/3/2018.
Nội dung Quy định đề cập nguyên tắc và những nội dung cơ bản để tổ chức thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị, tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Nội dung kiểm điểm tập trung làm rõ những thành tích nổi bật để phát huy, chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém; liên hệ với những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chỉ rõ nguyên nhân khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp và thời gian khắc phục.
Về tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm, Quy định nêu rõ: đối với các tổ chức, tập thể, có các tiêu chí về xây dựng tổ chức, tập thể; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm; kết quả khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra. Ðối với cá nhân, có các tiêu chí về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm và kết quả khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra.
Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm được tiến hành trước khi tổng kết công tác năm của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Bộ Chính trị yêu cầu việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại phải bảo đảm đúng chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết, thống nhất; trung thực, khách quan, toàn diện; công bằng, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trách nhiệm; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Cùng với đó, phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc; kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá, xếp loại hằng năm. Gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể; người đứng đầu, cá nhân lãnh đạo, quản lý được phân công phụ trách lĩnh vực, địa bàn với kết quả hoạt động, hiệu quả công tác của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Xếp loại chất lượng theo 4 mức
Trên cơ sở kết quả đánh giá, tiến hành xếp loại chất lượng theo bốn mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể:
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Là các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích nổi bật; khẳng định vị thế, vai trò hàng đầu, điển hình để các tập thể, cá nhân khác học tập, noi theo; các tiêu chí đánh giá đều đạt "Tốt" trở lên, trong đó những tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm (đối với tập thể), kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm (đối với cá nhân) đều được đánh giá đạt "Xuất sắc" với các sản phẩm cụ thể lượng hóa được (nếu có).
Đối với tập thể: Không có đơn vị trực thuộc nào (đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị) hoặc thành viên nào của tập thể lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật.
Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để số lượng tập thể, cá nhân được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" không vượt quá 20% số được xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" theo từng nhóm đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ: Là các tập thể, cá nhân mà các tiêu chí đều được đánh giá đạt "Trung bình" trở lên, trong đó những tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm (đối với tập thể), kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm (đối với cá nhân) đều được đánh giá đạt "Tốt" trở lên.
Đối với tập thể: Không có đơn vị trực thuộc nào (đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị) hoặc thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý đó bị kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
Hoàn thành nhiệm vụ: Là các tập thể, cá nhân mà các tiêu chí cơ bản được đánh giá đạt "Trung bình" trở lên.
Đối với tập thể: Không có đơn vị trực thuộc nào (đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị) hoặc thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý đó bị kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
Không hoàn thành nhiệm vụ: Các tổ chức, cơ quan, đơn vị sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nếu có đơn vị trực thuộc xảy ra các vụ, việc tham ô, tham nhũng và các vi phạm khác bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả); chỉ hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt trong năm, các chỉ tiêu chủ yếu không đạt 100% (trừ trường hợp bất khả kháng); Tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật hoặc có trên 20% số đơn vị trực thuộc bị kỷ luật trong năm cũng bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Tập thể lãnh đạo, quản lý bị xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ khi bị cấp có thẩm quyền đánh giá mất đoàn kết nội bộ; có thành viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; địa phương, tổ chức, cơ quan đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý chỉ hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt trong năm, các chỉ tiêu chủ yếu không đạt 100% (trừ trường hợp bất khả kháng); bị xử lý kỷ luật hoặc có thành viên bị kỷ luật trong năm.
Đối với cá nhân sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ khi bị cấp có thẩm quyền đánh giá có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá”; chỉ hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao trong năm, không hoàn thành 100% chỉ tiêu quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm; bị xử lý kỷ luật trong năm .
Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ khi cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền lãnh đạo, quản lý trực tiếp của mình liên quan đến tham ô, tham nhũng và bị xử lý kỷ luật theo quy định (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).