Không còn biên chế trong giáo dục được cho là bước đi bạo dạn, mạnh mẽ của ngành giáo dục, đây cũng được cho là ý tưởng mà không phải ngành nào cũng dám thẳng thắn nhìn vào. Liệu không còn biên chế thì vai trò của hiệu trưởng, hiệu phó sẽ ra sao?
Hiệu trưởng, hiệu phó cũng là người làm công ăn lương như giáo viên
Theo GS.TS Khoa học Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, khi không còn biên chế thì hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải theo chế độ hợp đồng, cũng chỉ là người làm công ăn lương như những giáo viên khác.
“Nếu giáo viên theo chế độ hợp đồng thì chẳng có lý do gì mà hiệu trưởng, hiệu phó lại hưởng chế độ biên chế. Hiệu trưởng, hiệu phó chúng ta chọn từ chính những giáo viên đã có kinh nghiệm đứng trên bục giảng, có năng lực chuyên môn và đặc biệt hơn ở những người này là có năng lực quản lý”, GS Dong cho hay.
Cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm ngày càng nhiều. Ảnh HN.
GS Dong chia sẻ thêm: “Hiệu trưởng cũng hưởng chế độ hợp đồng, nếu người được bầu làm hiệu trưởng không đồng ý, cơ quan quản lý có thể mời giáo viên khác. Như vậy, chúng ta có thể chọn lọc được một người đứng đầu từ bên ngoài có đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt và đặc biệt có năng lực quản lý giỏi”.
Mặt khác, chính cách thức ký hợp đồng này giúp chúng ta khẳng định được chất lượng của người đứng đầu một cơ quan.
Nên bỏ khái niệm biên chế
GS Dong khẳng định: “Chúng ta nên bỏ khái niệm biên chế đi, vì từ trước đến nay, nhiều người quan niệm vào biên chế thì sẽ khó có ai động được bởi có luật lao động bảo vệ. Còn hợp đồng thì khác, khi ký hợp đồng, giáo viên phải cam kết làm đúng những gì đã quy định trong hợp đồng”.
Trong hợp đồng, hai bên có quyền được thỏa thuận về mức lương, tiền lương, chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên, khi một trong hai bên vi phạm hợp đồng thì sẽ có hình thức xử lý kèm theo”.
Muốn ký được hợp đồng giáo viên phải có thời gian thử việc
Hợp đồng chính là hình thức cam kết, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của giáo viên trong công việc của mình. Với hình thức hợp đồng thì ngành giáo dục sẽ tuyển được những giáo viên giỏi, những giáo viên có trình độ để dạy. Còn những giáo viên nào không có trình độ thì bị đào thải.
Giáo viên muốn có hợp đồng giảng dạy trong một trường học nào đó phải do cơ quan quản lý các trường học đó quyết định. Hiệu trưởng không có chức năng cũng như quyết định ký hợp đồng với các giáo viên sẽ giảng dạy trong trường đó.
GS Dong đề nghị: “Những giáo viên muốn được ký hợp đồng phải qua thời gian thử việc, sau khi thử việc thì nhà trường căn cứ quá trình thử việc để báo cáo lên cơ quan quản lý trường học đó và đề nghị xét ký hợp đồng cho giáo viên. Như vậy, chúng ta mới có thể tuyển chọn được đội ngũ giáo viên giỏi, loại đi những giáo viên thiếu năng lực”.
“Nhà nước không thể chi trả kinh phí cho những người làm việc không có năng lực hoặc hiệu quả không cao. Với phương án này, chúng ta có cơ hội loại bỏ những người có năng lực yếu kém để tạo cơ hội cho những người có năng lực được thể hiện. Do đó, đây là một cuộc cạnh tranh cần thiết, tất cả mọi người đều phải phấn đấu học để có tay nghề. Mục tiêu vẫn là chọn lọc người có đủ năng lực, phẩm chất để vào giảng dạy”, GS Dong nhấn mạnh.
Vẫn nên ký tiếp hợp đồng đối với những người nghỉ hưu có năng lực
“Nếu tôi là người sử dụng lao động, tôi ưu tiên những người có kinh nghiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn anh trẻ nhưng không hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi cũng không dùng. Có những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng họ tâm huyết với nghề, dạy giỏi, đủ sức khỏe mình nên ký tiếp hợp đồng với họ và hợp đồng đó cũng chỉ là người lao động thôi”, GS Dong chia sẻ.
Nói tóm lại, nếu làm đúng hợp đồng, đúng với những gì đặt ra thì chắc chắn mình sẽ chắt lọc được những người giỏi vào làm việc. Các ngành khác cũng nên làm như thế để tuyển chọn được những người giỏi, người có tài. Còn những người không được ký hợp đồng phải cố gắng, rèn luyện hơn nữa.
“Không chỉ mỗi Bộ GD-ĐT mà các bộ khác, nhất là những bộ sản xuất vật chất lại càng phải ký hợp đồng”, GS. Dong chia sẻ thêm.