Bộ ba quyền lực Obama - Clinton - Trump: Đối thủ sẽ thành cộng sự?

Nhật Minh| 18/11/2016 12:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với tuyên bố sẽ “chuyển giao quyền lực” êm đẹp của Tổng thống Barack Obama, giới chuyên gia cho rằng, nên chăng chúng ta hãy suy nghĩ tích cực và có thái độ lạc quan đôi chút về nước Mỹ và thế giới dưới thời Tổng thống Donald Trump?

Bộ ba quyền lực Obama - Clinton - Trump: Đối thủ sẽ thành cộng sự?

Vì lợi ích Mỹ, Tổng thống Barack Obama, Tổng thống đắc cử Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ chuyển từ đối thủ thành… cộng sự?

Tổng thống Obama - “Đại sứ” mang thông điệp “trấn an” đồng minh

Ngày 14/11, sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 có kết quả cuối cùng, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến công du nước ngoài cuối cùng tới Hy Lạp, Đức và Peru. Trong chuyến đi này, các chuyên gia nhận định, ông Obama mang trên vai trọng trách “trấn an” các đồng minh và đối tác sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua. Và đặc biệt, điều quan trọng mà ông chủ Nhà Trắng sắp mãn nhiệm cần làm là tạo ra “nền móng vững chắc” để khẳng định vị thế dẫn đầu của Mỹ dưới thời chính quyền mới. Nói cách khác, Tổng thống Obama đã vô tình trở thành… đại sứ đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump!

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump nhiều lần chỉ trích các đồng minh trong liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời đặt ra câu hỏi về việc liệu nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của ông, có nên tiếp tục hỗ trợ cho các đồng minh NATO nữa không? Tuy nhiên, theo Tổng thống Obama, mối quan hệ liên minh (NATO) “không chỉ có lợi cho châu Âu, mà còn tốt cho cả Mỹ và mang ý nghĩa quan trọng với thế giới”.

Bộ ba quyền lực Obama - Clinton - Trump: Đối thủ sẽ thành cộng sự?

Tổng thống Barack Obama hứa sẽ chuyển giao quyền lực "êm đẹp"

Và vì vậy, một trong những “thông điệp” ông Obama mang theo trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng trước khi bàn giao cho người kế nhiệm là “không có bất kỳ sự suy giảm nào trong những cam kết của Mỹ nhằm duy trì quan hệ mạnh mẽ và bền chặt với NATO” dù cho chủ nhân của Phòng Bầu dục có là ai chăng nữa. Thậm chí, phát biểu trong cuộc họp báo trước chuyến thăm tới châu Âu và châu Mỹ Latinh, Tổng thống Barack Obama cũng cho biết Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn có ý định duy trì các mối quan hệ chiến lược cốt lõi của Mỹ trên toàn thế giới, trong đó có quan hệ với NATO.

Vì nước Mỹ, bà Clinton sẽ trở thành cộng sự của ông Trump?

Hẳn người dân thế giới không thể nào quên những chỉ trích qua lại trong chiến dịch vận động tranh cử của hai ứng viên Tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton. Thậm chí không chỉ bà Clinton mà ngay cả Tổng thống Obama trước đó đều từng cho rằng ông Trump “không xứng đáng để trở thành Tổng thống Mỹ”. Thế nhưng, sau khi bị ông Trump giành chiến thắng thuyết phục với 276 phiếu đại cử tri (vượt 6 phiếu để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ) bà Clinton đã nói lời xin lỗi những cử tri ủng hộ và thừa nhận sự thất bại của mình.

Không những thế, cựu Ngoại trưởng Mỹ còn cho biết đã gọi điện chúc mừng ông Donald Trump và đề nghị được làm việc với ông vì chính nước Mỹ. Với cử tri trẻ tuổi, bà nói: “Đừng bao giờ nghi ngờ rằng bạn là người có giá trị, mạnh mẽ và xứng đáng có mọi cơ hội trên thế giới này, để theo đuổi và đạt được các ước mơ của bản thân”. Bởi, như bà đã thừa nhận, “Chúng ta nợ ông ấy (Donald Trump) một sự cởi mở về tư tưởng và một cơ hội được lãnh đạo”.

Bộ ba quyền lực Obama - Clinton - Trump: Đối thủ sẽ thành cộng sự?

Bà Clinton sẽ trở thành cộng sự của ông Trump?

Trong khi đó, hơn một tuần sau khi tạo địa chấn với chiến thắng trước đối thủ Hillary Clinton, đội hình chuyển giao quyền lực của ông Trump dường như đang bị rơi vào “mớ bòng bong” với một loạt những màn đấu đá nội bộ giữa các nhân vật cấp cao. Giới phân tích cũng cho rằng, ông Trump đang tiếp nhận quyền lực chậm hơn những người tiền nhiệm; và tất nhiên không có gì khó hiểu với một người chưa có kinh nghiệm chính trường và quân sự như nhà kinh doanh đại tài người New York này.

Tuy nhiên, quan sát thái độ và động thái của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama trong quá trình chuyển giao quyền lực, cũng như chia sẻ xúc động của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton về đối thủ “khó ưa” đường đua vào Nhà Trắng trong thời khắc thừa nhận thua cuộc, giới phân tích cho rằng không cần phải quá lo lắng về một nước Mỹ và thế giới thời Tổng thống Trump sẽ như thế nào. Bởi, một nguyên thủ quốc gia có chỉ số uy tín tăng cao ở năm cuối nhiệm kỳ như Tổng thống Obama một khi đã khẳng định sẽ chuyển giao quyền lực “êm đẹp”, một khi đã lên tiếng kêu gọi toàn dân Mỹ hãy cho chính đối thủ của mình - Tổng thống đắc cử Donald Trump - cơ hội có thêm thời gian để thích ứng với những trọng trách của một tổng tư lệnh đất nước, nên chăng chúng ta hãy suy nghĩ tích cực hơn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ ba quyền lực Obama - Clinton - Trump: Đối thủ sẽ thành cộng sự?