Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội phạm; khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, bảo vệ tốt hơn quyền con người, BLTTHS năm 2015 đã quy định chặt chẽ hơn về căn cứ tạm giam.
Cụ thể hóa căn cứ tạm giam
Theo quy định của BLTTHS năm 2003, đối với bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm thì có thể tạm giam khi có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Không cho phép tạm giam đối với bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định mức phạt tù đến 2 năm.
BLTTHS năm 2015 đã quy định chặt chẽ hơn về căn cứ tạm giam. Theo đó, đối với bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm thì cụ thể hóa căn cứ cản trở điều tra, truy tố, xét xử bằng các trường hợp cụ thể. Đó là, việc tạm giam chỉ có thể được áp dụng khi thuộc các trước hợp sau đây: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Không có nơi cứ trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; Tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; Đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
BLTTHS năm 2015 quy định chỉ có thể tạm giam bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định mức phạt tù đến 2 năm nhưng bỏ trốn nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã.
Trong giai đoạn điều tra, BLTTHS năm 2015 rút ngắn thời hạn tạm giam 1 tháng đối với tội ít nghiêm trọng; 2 tháng đối với tội rất nghiêm trọng. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, BLTTHS 2015 cho phép gia hạn tạm giam đến khi kết thúc điều tra nhưng để bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng, thẩm quyền gia hạn tạm giam trong trường hợp này chỉ thuộc Viện trưởng VKSNDTC.
Trong giai đoạn truy tố, thời hạn tạm giam tối đa đối với bị can về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng là 30 ngày; tội rất nghiêm trọng là 45 ngày; tội đặc biệt nghiêm trọng là 60 ngày (không còn được tính thêm 3 ngày giao cáo trạng và các quyết định tố tụng như Điều 166 BLTTHS năm 2003).
Quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam; khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định mức phạt tù đến 2 năm nhưng bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, phù hợp với yêu cầu xây dựng nền tư pháp văn minh tiến bộ.
Sửa đổi các quy định về biện pháp bảo lĩnh
BLTTHS năm 2003 không quy định chế tài đối với người bảo lĩnh nếu để người bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ cam đoan; quy định cho phép đặt cả tiền hoặc tài sản để bảo đảm. Các biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú không bị ràng buộc bởi thời hạn.
Người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền bầu cử
BLTTHS năm 2015 quy định chế tài phạt tiền áp dụng đối với người bảo lĩnh nếu để cho bị can, bị cáo bỏ trốn; chỉ quy định đặt tiền, không quy định đặt tài sản; quy định cụ thể nghĩa vụ của người nhận bảo lĩnh và nghĩa vụ của bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú phải cam đoan; bổ sung thời hạn áp dụng đối với biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền; theo đó, thời hạn áp dụng các biện pháp này không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; đối với người bị kết án phạt tù thì không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Quy định này nhằm phát huy hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam; bảo đảm giải quyết vụ án được nhanh chóng, tháo gỡ vướng mắc hiện nay trong việc định giá, giám định tài sản, dẫn đến chậm trễ trong áp dụng; bảo đảm mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân phải được ràng buộc chặt chẽ về thời hạn.
BLTTHS năm 2015 bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, theo đó, biện pháp này được áp dụng đối với: Người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ; Bị can, bị cáo.
Đối với các biện pháp cưỡng chế, BLTTHS năm 2003 chỉ quy định 3 biện pháp cưỡng chế gồm áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản. BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm biện pháp phong tỏa tài khoản. Đồng thời, quy định các biện pháp cưỡng chế trong cùng một mục và quy định cụ thể căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng từng biện pháp này.
Hồ sơ vụ án, văn bản tố tụng, thời hạn, chi phí tố tụng
BLTTHS năm 2003 không quy định về trách nhiệm lập hồ sơ vụ án. BLTTHS năm 2015 quy định trách nhiệm lập hồ sơ vụ án của từng cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn cụ thể. Theo đó, trong giai đoạn khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ vụ án. Trong giai đoạn truy tố, xét xử, các chứng cứ, tài liệu do Viện kiểm sát, Tòa án thu thập phải đưa vào hồ sơ vụ án. Quy định này nhằm bảo đảm trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng và bảo đảm tính đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ vụ án.
BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể những nội dung cần thiết phải có trong văn bản tố tụng, bao gồm: số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng; căn cứ ban hành văn bản tố tụng; nội dung của văn bản tố tụng; họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.
BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể thủ tục lập biên bản và ký biên bản tố tụng trong các trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần mà không thể ký vào biên bản. Quy định cụ thể các loại chi phí tố tụng và xác định trách nhiệm chi trả chi phí tố tụng trong từng trường hợp. Theo đó, chi phí trong tố tụng hình sự gồm án phí, lệ phí và các chi phí tố tụng; đồng thời, xác định cụ thể án phí, lệ phí, chi phí tố tụng gồm những loại gì. Ngoài ra, bổ sung trách nhiệm chi trả chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa; chi phí giám định, định giá tài sản; các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan, người đã trưng cầu, yêu cầu, chỉ định chi trả; trường hợp Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người bào chữa thì do Trung tâm này chi trả. Đối với các hoạt động tố tụng do người tham gia tố tụng yêu cầu thì việc chi trả lệ phí, chi phí theo quy định của pháp luật.
BLTTHS năm 2015 cũng quy định cụ thể các phương thức cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo các văn bản tố tụng và thủ tục cụ thể khi thực hiện các phương thức nêu trên. Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như người được giao trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng. Những người này nếu không thực hiện, thực hiện không đầy đủ theo quy định của Bộ luật này thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Quy định này bảo đảm cho người tham gia tố tụng và những người liên quan được nhận, biết văn bản tố tụng có liên quan, từ đó thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.