Báo Công lý trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC về những sửa đổi, bổ sung lớn của BLHS năm 2015.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình
BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức; thúc đẩy kinh tế thị trường XHCN; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội
BLHS năm 2015 gồm có 3 Phần, 26 Chương, 426 Điều. So với BLHS năm 1999 thì Bộ luật này bãi bỏ 3 Điều; giữ nguyên 30 Điều; sửa đổi, bổ sung 396 Điều. Với nhiều nội dung được sửa đổi lớn, BLHS năm 2015 tiếp tục thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng theo tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Thứ nhất, BLHS năm 2015 thể chế hóa chủ trương của Đảng về hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù. Cụ thể là Bộ luật quy định hình phạt tiền là hình phạt chính được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng. Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng.
Bộ luật cũng đã mở rộng nội hàm của hình phạt cải tạo không giam giữ, theo đó, trong trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ với thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong một tuần. Biện pháp này không áp dụng đối với người già yếu, phụ nữ có thai.
Đối với hình phạt tù, Bộ luật khẳng định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 37), theo đó, tại Phần các tội phạm, số lượng các khoản không quy định hình phạt tù tăng từ 06 khoản (theo BLHS năm 1999) lên hơn 30 khoản.
Thứ hai, BLHS năm 2015 tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. Điều 40 của BLHS năm 2015 đã xác định rõ tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Bộ luật đã bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình. Theo đó, hình phạt tử hình không áp dụng đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình đối với họ. Quy định này nhằm góp phần hạn chế việc thi hành hình phạt tử hình trên thực tế và là thúc đẩy việc thu hồi tài sản bị tham nhũng trong các vụ án tham nhũng.
BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh gồm: (1) cướp tài sản (Điều 168); (2) sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); (3) tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); (4) chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); (5) phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); (6) chống mệnh lệnh (Điều 394); (7) đầu hàng địch (Điều 399); (8) tội hoạt động phỉ (do BLHS đã bỏ tội danh này). Như vậy, BLHS năm 2015 vẫn còn duy trì hình phạt tử hình đối với 18 tội danh trong tổng số 314 tội danh.
Thứ ba, BLHS năm 2015 đã bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện với những quy định hết sức chặt chẽ nhằm tạo cơ hội cho những phạm nhân tích cực cải tạo tốt trong quá trình chấp hành án ở các cơ sở giam giữ được sớm trở về với gia đình và tiếp tục chứng tỏ sự cải tạo của mình trong môi trường xã hội bình thường có sự giám sát của chính quyền địa phương và xã hội. Nếu trong thời gian thử thách mà người được tha tù trước thời hạn cố ý vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội mới thì phải trở lại cơ sở giam giữ để chấp hành tiếp phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Quy định này góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về việc giáo dục, cải tạo người phạm tội trong môi trường xã hội.
Thứ tư, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người (Chương XIV) và nhóm các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân (Chương XV) theo hướng tiếp tục tăng cường bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trên tinh thần Hiến pháp năm 2013 với những chế tài nghiêm khắc. BLHS năm 2015 bổ sung một số quy định mới để xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đồng thời, có chính sách xử lý nghiêm khắc hơn đối với các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân.
Điều chỉnh chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội
BLHS năm 2015 đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em trên tinh thần bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Theo quy định của BLHS năm 1999, các tội phạm mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự là khá rộng và quan trọng hơn là quy định này không rõ ràng, minh bạch, nên bản thân các em không thể hoặc khó có thể biết được chính xác khi nào thì hành vi do mình thực hiện bị coi là tội phạm.
Thực tế cho thấy, những trường hợp trẻ em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là không nhiều và chủ yếu tập trung vào một số tội phạm thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, các tội xâm phạm sở hữu, còn lại phần lớn các trường hợp khác các em tham gia thực hiện tội phạm là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa... Bản thân các em không nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện. Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với các em trong những trường hợp này có phần quá nghiêm khắc và ít có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân.
Kế thừa đồng thời khắc phục những hạn chế của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 chỉ rõ hơn những tội phạm cụ thể mà người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, theo đó, các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ở 28 tội danh trong số 314 tội danh thuộc 4 nhóm tội phạm: (1) các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; (2) các tội xâm phạm sở hữu; (3) các tội phạm về ma túy; (4) các tội xâm phạm an toàn công cộng.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên, đáp ứng yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các văn kiện quốc tế về tư pháp người chưa thành niên, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa các điều kiện miễn trách nhiệm hình sự áp dụng riêng cho từng đối tượng người chưa thành niên (người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi), đồng thời, bổ sung 3 biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp các em được miễn trách nhiệm hình sự, gồm: (1) Khiển trách; (2) Hòa giải tại cộng đồng; (3) Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình,
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC
(Còn nữa)