Thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, BLHS năm 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; điều chỉnh nhiều chính sách hình sự phù hợp với đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Cùng với đó tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự nước ta, BLHS năm 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại. Đây là điểm mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về tội phạm và hình phạt. Việc bổ sung chế định TNHS của pháp nhân vào BLHS xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn và nhằm góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của pháp nhân trong thời gian qua, nhất là những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường, đồng thời tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của pháp nhân gây ra.
BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (chương XVIII) theo hướng phi tội phạm hóa đối với 4 tội danh được quy định trong BLHS năm 1999, gồm: (1) Kinh doanh trái phép; (2) Báo cáo sai trong quản lý kinh tế; (3) Vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; (4) Sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Việc loại bỏ 4 tội phạm này khỏi BLHS nhằm bảo đảm quyền tự do và tự chủ của các chủ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời phù hợp với tình hình tội phạm thời gian qua. Bên cạnh đó, cùng với việc bổ sung 18 tội danh mới thuộc 8 nhóm tội phạm khác nhau, BLHS năm 2015 cũng bổ sung 16 tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế để kịp thời đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm này.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình quán triệt những điểm mới của BLHS năm 2015 tại Hội nghị trực tuyến kết nối TAND 4 cấp trong toàn quốc
BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường (Chương XIX) theo hướng cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường; quy định chế tài nghiêm khắc đối với các tội phạm về môi trường, trong đó có việc tăng mức phạt tiền (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung); đồng thời, bổ sung thêm 2 tội mới (là Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai và Tội vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông).
Phù hợp với đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
BLHS năm 2015 tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả trong tình hình mới, góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. BLHS năm 2015 đã phi tội phạm hóa đối với 6 tội danh được quy định trong BLHS năm 1999. Đó là các tội: (1) Tảo hôn; (2) Kinh doanh trái phép; (3) Báo cáo sai trong quản lý kinh tế; (4) Vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; (5) Sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; (6) Không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.
BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm sở hữu (Chương XVI) theo hướng bảo đảm đối xử bình đẳng giữa chính sách xử lý hành vi xâm phạm tài sản của Nhà nước với hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân theo tinh thần của Hiến pháp 2013; tăng mức phạt tiền bổ sung đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu. Đồng thời, cụ thể hóa hành vi phạm tội, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng đối với các tội phạm thuộc nhóm này, đặc biệt là cụ thể hóa trường hợp xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu 2 triệu đồng nhằm góp phần bảo vệ tài sản của nhân dân, nhất là người nghèo (khoản 1 Điều 173).
BLHS năm 2015 đã bổ sung một chương riêng (Chương IV) với 7 điều quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó, tiếp tục duy trì và cụ thể hóa 4 trường hợp như BLHS năm 1999 gồm: (1) Sự kiện bất ngờ; (2) Phòng vệ chính đáng; (3) Tình thế cấp thiết; (4) Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Đồng thời, BLHS năm 2015 bổ sung thêm 3 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là: (1) Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm pháp; (2) Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; (3) Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên. Nội dung sửa đổi này nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn để khuyến khích người dân an tâm, tích cực tham gia phòng chống tội phạm; tham gia các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học có tính chất “đột phá” vì lợi ích chung.
BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa tối đa các tình tiết định tội, định khung có tính chất định tính, trừu tượng trong cấu thành của hầu hết các tội phạm. Theo đó, thực hiện khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013, “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật...” và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; trên cơ sở rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã lượng hóa nhiều tình tiết định tính của BLHS năm 1999 như: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn” bằng các quy định cụ thể trong BLHS năm 2015.
Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
BLHS năm 2015 đã thay thế Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 của BLHS năm 1999) bằng một loạt các tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế. Việc sửa đổi này đã bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung 15 tội danh có tính chất "cố ý làm trái" trong Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của BLHS năm 1999 cho phù hợp với tình hình mới, BLHS năm 2015 còn bổ sung thêm 9 tội danh mới trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, bao quát các lĩnh vực thường hay xảy ra vi phạm trong hoạt động quản lý kinh tế để thay thế cho Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
BLHS năm 2015 có những nội dung sửa đổi, bổ sung góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Cụ thể là BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại khoản 3 và khoản 4 của các Điều 353, 354). Quy định này nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là xử lý đến cùng tội phạm tham nhũng, đồng thời góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi xử lý tội tham nhũng ra cả khu vực tư nhân. Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ thì cũng bị xử lý về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ theo quy định tại các Điều 353, 354 của BLHS năm 2015. Ngoài ra, người có hành vi đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước thì cũng bị xử lý về tội đưa hối lộ hoặc tội môi giới hối lộ theo quy định tại các Điều 364, 365 của BLHS năm 2015. Quy định này nhằm góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời, cũng nhằm thực thi Công ước quốc tế về chống tham nhũng mà nước ta là thành viên.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm nội luật hóa các qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội theo hướng bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể (bên cạnh các hành vi chuẩn bị phạm tội đã được quy định trước đây như: tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm (Điều 14). Quy định này tạo cơ sở pháp lý để chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, đồng thời phù hợp với tinh thần của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung cơ bản cấu thành của Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi theo tinh thần Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; bổ sung Tội bắt cóc con tin (Điều 301) và Tội cướp biển (Điều 302) trên cơ sở các quy định của Công ước chống bắt cóc con tin năm 1979 và Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982. BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung Tội rửa tiền (Điều 324) nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu, các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng, chống rửa tiền, trong đó đặc biệt chú ý là việc bổ sung chủ thể thực hiện tội phạm là pháp nhân thương mại. Ngoài ra, BLHS năm 2015 có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật lập pháp theo hướng nâng cao tính minh bạch trong các quy định của BLHS; bảo đảm tính thống nhất về mặt kỹ thuật giữa Phần chung và Phần các tội phạm cụ thể của BLHS và giữa BLHS với các luật khác.
PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình,
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC
(Còn nữa)