Birmingham -Thành phố của sự sợ hãi (Kỳ 4): Sự vào cuộc nửa vời của FBI

Hoàng Hà| 03/03/2016 08:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau vụ đánh bom nhà thờ Baptist, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cử hàng chục đặc vụ đến Birmingham, cũng là để điều tra cả các vụ đánh bom trước đó.

Từ Nhà Trắng, Tổng thống John F. Kennedy bày tỏ sự phẫn nộ trước "tình hình tồi tệ ở tiểu bang Alabama". Ngay cả Thống đốc George Wallace, người ủng hộ sự phân biệt chủng tộc công khai nhất ở quốc gia này, cũng phải thốt lên: “Đó là một hành động tàn bạo, được gây ra bởi những kẻ ngu ngốc điên cuồng, một kẻ có con tim hận thù cả thế giới này”.

Cũng từ đó, Cảnh sát tiểu bang Alabama và thành phố Birmingham cùng hợp nhất với FBI, thực hiện cuộc điều tra với nỗ lực cao nhất nhằm nhanh chóng đưa ra ánh sáng thủ phạm đã cướp đi sinh mạng của những trẻ em vô tội.

Lúc này, các thành viên KKK bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ hơn bao giờ hết, thậm chí một số thành viên của tổ chức này đã được trả tiền để trở thành người đưa tin cho FBI.

Đặc vụ FBI dường như có mặt ở mọi ngóc ngách trong thành phố Birmingham. Họ không ngừng theo sát từng bước chân của các thành viên KKK. Những kẻ nội gian trong KKK vẫn được trả “lương” đều đặn.

Birmingham -Thành phố của sự sợ hãi (Kỳ 4): Sự vào cuộc nửa vời của FBI

Đặc vụ FBI dường như có mặt ở mọi ngóc ngách trong thành phố Birmingham

Người nhà, bạn gái và người quen của các thành viên KKK cốt cán cũng cung cấp cho FBI nhiều thông tin. Hàng chục bản báo cáo đã ra đời từ những thông tin ấy. Nhưng điều quan trọng nhất là chẳng có kẻ nào bị bắt giữ vì liên quan đến vụ đánh bom nhà thờ Baptist.

Ngày 30/9, ba người đàn ông ở Birmingham đã bị bắt về tội tàng trữ thuốc nổ. Đó là Charles Cagle, John Wesley Hall và Robert Chambliss. Một trong số đó có Robert Chambliss - kẻ đã bị phụ tá thị trưởng thành phố Birmingham, nhìn thấy ở gần nhà thờ Baptist sau vụ đánh bom.

Các điều tra viên nghi ngờ ba người này có liên quan đến vụ đánh bom nhà thờ Baptist. John Wesley Hall và Charles Cagle đã không vượt qua được cuộc kiểm tra nói dối liên quan đến vụ đánh bom nhà thờ Baptist. Hệ thống kiểm tra đã cho thấy chúng biết nhiều hơn những gì đã khai ra với cơ quan chức năng. Nhưng điều này chưa đủ để đưa ra một cáo trạng.

Robert Chambliss, có biệt danh là "Bob thuốc nổ", nổi tiếng là một kẻ phân biệt chủng tộc cực đoan và bị tình nghi dính líu đến nhiều vụ đánh bom trước đó.

FBI cũng phát hiện ra Chambliss đã mua một thùng thuốc nổ của một cửa hàng ở thành phố Daisy, tiểu bang Alabama vào ngày 4/9/1963. Hắn cũng đã công khai tuyên bố ý định phạm tội với người thân và bạn bè trước khi xảy ra vụ đánh bom nhà thờ Baptist.

Chambliss cũng thừa nhận với FBI việc mua thùng thuốc nổ, song lại nói rằng không biết cách sử dụng thuốc nổ và cũng không chỉ ra được số thuốc nổ ấy hiện ở đâu.

FBI nhận thấy có căn cứ để tình nghi Chambliss. Tên này đã có “tiền án” với những hành động bạo lực nhằm vào người da đen và những vụ tấn công có sử dụng thuốc nổ. Hơn nữa, đây là một thành viên “rất tích cực” trong các hoạt động của KKK kể từ năm 1946 và là “gã khổng lồ có tầm ảnh hưởng lớn” của Eastview 13 Klavern – một chi nhánh của KKK ở địa phương.

Tuy nhiên, thành viên KKK này lại có mối quan hệ mật thiết với cảnh sát thành phố. Không ít lần người dân Birmingham được chứng kiến cảnh Chambliss cùng ngồi xe đi tuần đêm với các nhân viên cảnh sát của thành phố.

Birmingham -Thành phố của sự sợ hãi (Kỳ 4): Sự vào cuộc nửa vời của FBI

Giám đốc FBI, ông J. Edgar Hoover

Và đương nhiên, Giám đốc FBI - ông J. Edgar Hoover vẫn không phê chuẩn lệnh bắt Chambliss. Quan chức này cho rằng, vào thời điểm này, chẳng có tòa án nào ở miền Nam lại buộc tội những kẻ tấn công người da đen. Thêm nữa, mối quan tâm hàng đầu của người đứng đầu FBI lúc này là cuộc điều tra về phong trào dân quyền của người da đen.

Nhiều tháng như thế cứ trôi đi và qua hàng trăm cuộc thẩm vấn, FBI cũng đã đi đến kết luận, có 4 phần tử liên quan đến vụ đánh bom nhà thờ Baptist gồm Robert Chambliss, Bobby Frank Cherry, Herman Frank Cash và Thomas Blanton Jr. và tất cả bọn chúng đều là thành viên của Eastview 13 Klavern.

Nhưng, Giám đốc Hoover vẫn không đưa ra 1 quyết định nào, mặc dù các công tố viên vẫn giữ đề nghị truy tố bốn kẻ tình nghi nói trên. Theo một tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ mà tờ Thời báo New York có được năm 1980, ông Hoover cho rằng, “cơ hội truy tố (4 kẻ tình nghi) tại tòa án bang hoặc liên bang là rất xa vời”.

Vụ việc tưởng như bị chìm xuồng cho đến khi bang Alabama có viên chưởng lý mới đó là - William J. Baxley.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Birmingham -Thành phố của sự sợ hãi (Kỳ 4): Sự vào cuộc nửa vời của FBI