Tỉnh Bình Phước xác định nông nghiệp sẽ trở thành một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh, nên đã và đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với thế mạnh đất nông nghiệp chiếm trên 64% diện tích cả tỉnh, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25% cơ cấu kinh tế, Bình Phước có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhưng, nếu chỉ làm nông nghiệp đơn thuần, thì rất khó để gia tăng giá trị.
Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, phê duyệt danh mục dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy giết mổ, chế biến, gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Dự án phát triển một số vùng trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn một số huyện, thị xã; Phát triển cụm ngành điều, cụm ngành chế biến gỗ, cao su, chế biến trái cây... Hình thành 5 vùng cây ăn trái với khoảng 5.000ha; vùng trồng tiêu với diện tích 3.000ha; Diện tích đất cho chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao khoảng 9.500ha...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có thành lập 05 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Đồng Xoài, Thanh Lễ, Đồng Phú, Hải Vương và Chơn Thành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có khó khăn, vướng mắc. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn tiến hành tham mưu UBND tỉnh rà soát để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp và Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn và nâng cao giá trị gia tăng, đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng lợi thế. Trong năm 2023, ngành nông nghiệp Bình Phước tăng 10,25%, cao nhất cả nước.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, từ khi đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng từ 40-50 lần so với các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đồng thời, hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, tiềm năng và thế mạnh, phấn đấu có nhiều thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng nhiều vùng, cây trồng được canh tác theo chuẩn VietGap, GlobalGap. Về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, thị trường, toàn tỉnh có 05 nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm: chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”, “Gà thả vườn Thanh Lương”, “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương”, “Cao su Bình Phước”, có 157 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 đến hạng 5 sao, nhiều sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí của các thị trường khó tính nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới - giá trị mới cho nông nghiệp và có khoảng trên 206 chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị đang hoạt động hiệu quả với 38 hợp tác xã tham gia.
Theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 31/03/2022, Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 12/7/2022 của HĐND tỉnh thì doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao được hưởng: Ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư hạ tầng kỹ thuật; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng khu vực cụ thể, ưu đãi thuế xuất, nhập khẩu.
Bên cạnh việc thay đổi nhận thức của người dân về cách canh tác đất nông nghiệp sao cho hiệu quả, trong những năm qua chủ trương của lãnh đạo tỉnh Bình Phước về thu hút doanh nghiệp đầu tư mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế cũng được chú trọng.
Thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ chủ thể đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, xúc tiếp thương mại. Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Mục tiêu đến năm 2030, về trồng trọt, vùng cây ăn trái với diện tích 5.000ha tại các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đăng; vùng trồng hồ tiêu với diện tích 3.000ha tại các huyện: Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp; Vùng trồng cây dược liệu với diện tích 500 ha trên địa bàn các huyện: Bù Gia Mập, Phú Riềng, Hớn Quản, Đồng Phú và Bù Đăng.
Về chăn nuôi, khoảng 9.500ha, trong đó Đồng Phú 600ha, Hớn Quản 1.500ha, Lộc Ninh 1.500ha, Bù Đốp 600ha, Bù Gia Mập 2.500ha, Phú Riềng 800ha, Bù Đăng 2.000ha.