Ngày 22/4/2015, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Ước (SN 1965, ngụ thị trấn Chơn Thành) bị cấp sơ thẩm tuyên 10 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Bà Ước từng bị các cơ quan tố tụng huyện Chơn Thành gây oan sai và đã được bồi thường năm 2009. Tuy nhiên, trong vụ án lần này, chính điều tra viên từng bị bà Ước tố cáo bức cung lại là người tiến hành tố tụng khiến dư luận không khỏi nghi ngại về sự khách quan…
Từ bản cáo trạng cẩu thả…
Theo Cáo trạng số 87/KSĐT-SH ngày 27/8/2014 của VKSND huyện Chơn Thành, ngày 17/8/2011, Nguyễn Thị Ước đến nhà Lê Thị Bông (khu phố 6, thị trấn Chơn Thành) vay 200 triệu đồng trong 3 tháng, lãi 12 triệu đồng/tháng, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số BC553544 do UBND huyện Chơn Thành cấp ngày 26/1/2011. Sau đó, Ước không trả lãi và nợ gốc mà dùng nhiều thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của bà Bông. Cụ thể, Ước gặp Huỳnh Thị Thu Cúc (con dâu bà Bông) và thông qua bạn bè Cúc đặt vấn đề nếu Cúc lấy trộm được sổ đỏ thì Ước cho tiền tiêu xài. Khoảng “tháng 3/2015”(?), khi Cúc chở Đỗ Thị Tuyết (SN 1990, ngụ thị trấn Chơn Thành) ghé nhà Ước, Ước nói với Cúc: "Mày về lấy sổ đỏ (Ước thế chấp bà Bông) đưa tao, tao cho 10 triệu đồng".
Vì không thực hiện được, Ước dùng thủ đoạn khác bằng cách làm đơn cớ mất xin cấp lại sổ đỏ mới nhưng bất thành do bà Bông phát hiện trình báo. Tại buổi làm việc ngày 14/8/2013 ở UBND thị trấn Chơn Thành, Ước khẳng định không cầm sổ đỏ, còn giấy vay tiền đề ngày 17/8/2011 có chữ ký và ghi tên "Nguyễn Thị Ước" do bà Bông cung cấp là ngụy tạo. Từ đó, Ước làm đơn tố cáo bà Bông. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an huyện Chơn Thành đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam Ước ngày 8/3/2014 để điều tra về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Bà Ước từng được xin lỗi và bồi thường oan sai vào năm 2009
Bản cáo trạng truy tố Ước với khung hình phạt lên đến 10 năm tù nhưng được lập cẩu thả đến khó tin, sai chính tả be bét; về nội dung có nhiều nhầm lẫn, thiếu sót nghiêm trọng. Thời điểm ông Lê Quốc Ninh, Viện trưởng VKSND huyện Chơn Thành ký cáo trạng số 87 là cuối tháng 8/2014, thế nhưng ông Ninh lại nhầm lẫn, ghi thời điểm bà Ước thực hiện hành vi phạm tội (nhờ Cúc trộm giấy CNQSDĐ) vào khoảng tháng 3/2015(?). Ngoài ra, bà Ước được UBND huyện Chơn Thành cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BC55354, khác hoàn toàn với "sổ đỏ” BC553544 mà ông Ninh viện dẫn làm căn cứ để quy kết trong cáo trạng. Sự cẩu thả còn thể hiện bằng hơn 50 lỗi chính tả xuất hiện dày đặc trong bản cáo trạng.
Đến điều tra viên bị tố cáo gây oan sai
Cách đây hơn 10 năm, bà Ước cũng từng bị Công an huyện Chơn Thành khởi tố, điều tra viên Nguyễn Hữu Nhàn điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, vụ án oan sai đã bị đình chỉ, bà Ước được ông Bùi Thanh Thảo, Chánh án TAND huyện Chơn Thành ký quyết định bồi thường 22,1 triệu đồng. Trong vụ án oan sai, bà Ước liên tục tố cáo ông Nhàn. Công văn số 52/CV.C11B ngày 10/3/2005 của Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an thể hiện: Ngày 26/1/2005, bà Ước gửi đơn đến Tổng cục Cảnh sát “tố cáo Nguyễn Hữu Nhàn, điều tra viên Công an huyện Chơn Thành có hành vi bức cung và đề nghị thay đổi điều tra viên theo luật định”. Qua xem xét, Tổng cục Cảnh sát chuyển đơn bà Ước đến Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước để xem xét giải quyết”.
Dù bị tố cáo và góp phần gây ra oan sai cho bà Ước hơn 10 năm nhưng lần này, điều tra viên Nguyễn Hữu Nhàn lại “tái xuất hiện”, được phân công điều tra chính bà Ước. Sự trớ trêu này khiến gia đình bà Ước liên tục gửi đơn kêu cứu vì lo ngại không đảm bảo tính vô tư, khách quan ngay từ giai đoạn điều tra. Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) nhận định, việc phân công ông Nhàn trực tiếp điều tra bà Ước là có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Tuấn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương), kết luận điều tra, cáo trạng và lời khai của bà Lê Thị Bông đều cho rằng giữa bà Ước và bà Bông có thỏa thuận bà Ước phải trả lãi cho bà Bông 12 triệu đồng/tháng và thời hạn trả gốc là 3 tháng. Tuy nhiên, giấy vay tiền ngày 17/8/2011 lại không thể hiện điều đó. Đây là quan hệ vay tiền, là giao dịch dân sự, lẽ ra bà Bông phải khởi kiện bà Ước để yêu cầu trả nợ vay theo Bộ luật Dân sự. Vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai...
Tại phiên tòa ngày 22/4/2015, do vắng mặt người làm chứng, người bị hại nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm. Báo Công lý sẽ thông tin đến bạn đọc khi có tình tiết mới.